Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ban đầu Bộ Y tế Indonesia lạc quan có thể đạt được mục tiêu trên vào tháng 6-7 tới. Tuy nhiên, mục tiêu đầy tham vọng này đã được lùi đến tháng 7-8 trong bối cảnh lệnh cấm xuất khẩu vaccine của một số quốc gia khiến lịch trình cung ứng cho Indonesia bị trì hoãn.
Phát biểu với kênh truyền hình CNN Indonesia, người phát ngôn của Bộ Y tế về chương trình tiêm chủng, bà Siti Nadia Tarmizi cho biết có thể trong tháng 6 tới chỉ đạt 750.000 liều/ngày và đạt 1 triệu liều/ngày trong tháng 7 và tháng 8.
Ngoài mục tiêu tiêm chủng 1 triệu liều mỗi ngày, bà Nadia cũng thừa nhận rằng kế hoạch tăng tốc độ tiêm chủng lên 750.000 liều/ngày trong tháng 4 này cũng sẽ bị trì hoãn. Tuy nhiên, bà Nadia khẳng định Bộ Y tế Indonesia vẫn tin tưởng rằng chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của nước này sẽ hoàn tất sau 12 tháng kể từ khi được khởi động vào ngày 13/1 vừa qua.
Theo bà Nadia, để đạt được mục tiêu này, Bộ Y tế sẽ đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 12 tới do Indonesia dự kiến sẽ nhận được nhiều loại vaccine từ các nhà sản xuất khác như Novavax và Pfizer.
Indonesia đã lỡ kế hoạch nhận khoảng 10 triệu liều vaccine của hãng AstraZeneca thông qua cơ chế COVAX trong tháng 3 và tháng 4. Theo đó, quốc gia này sẽ chỉ nhận được 1,3-1,4 triệu liều trong tổng số 11,7 triệu liều vaccine của AstraZeneca từ cơ chế COVAX.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cũng cho biết lịch trình cung ứng 104 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho nước này đang trở nên không chắc chắn do lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng này của một số quốc gia. Theo kế hoạch ban đầu, Indonesia dự kiến sẽ nhận được 54 triệu liều vaccine từ COVAX và 50 triệu liều từ cơ chế hợp tác song phương giữa hãng dược quốc doanh Bio Farma và hãng AstraZeneca.
Theo ông Budi, lịch trình cung ứng số vaccine còn lại từ cơ chế COVAX có thể bị trì hoãn đến tháng 5. Tuy nhiên, COVAX cũng không thể xác nhận điều đó và do vậy kế hoạch này “vẫn chưa chắc chắn”. Đối với 50 triệu liều vaccine cung ứng qua cơ chế hợp tác song phương, AstraZeneca chỉ có thể cung cấp 20 triệu liều trong năm nay, và 30 triệu liều còn lại hoãn đến năm 2022.
Để bù đắp thiếu hụt nguồn cung từ hãng AstraZeneca, Indonesia đang đàm phán với Chính phủ Trung Quốc để Bắc Kinh cung cấp thêm khoảng 100 triệu liều vaccine cho Jakarta. Ngoài vaccine của hãng AstraZeneca, chương trình tiêm chủng quốc gia của Indonesia cũng phụ thuộc vào nguồn cung vaccine từ hãng dược phẩm Sinovac Biotech của Trung Quốc. Đến nay, Sinovac đã cung cấp cho Indonesia 56 triệu liều vaccine.
Trong khi đó, ngày 8/4, Australia cho biết hiện tại nước này khuyến nghị sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer thay vì vaccine của hãng AstraZeneca cho những người dưới 50 tuổi.
Theo giới chức y tế Australia, những rủi ro từ việc tiêm vaccine của AstraZeneca là cực thấp, nhưng các chuyên gia y tế nước này vẫn thay đổi khuyến nghị đối với những người có nguy cơ cao nhất. Mặc dù vậy, Australia sẽ vẫn tiếp tục tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca cho những người trên 70 tuổi.
Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 7/4 cho biết có mối liên hệ giữa vaccine của hãng AstraZeneca và tình trạng đông máu hiếm gặp ở người trưởng thành sau khi tiêm vaccine. Theo EMA, hiện tượng này sẽ được lưu ý như một tác dụng phụ của vaccine dù "rất hiếm xảy ra". Tuy nhiên, EMA cho rằng lợi ích của việc tiêm chủng vẫn cao hơn rất nhiều so với những rủi ro hy hữu này.