Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 17/5, Chính phủ Indonesia thông báo tiếp tục thực hiện chính sách hạn chế hoạt động cộng đồng (PPKM) tại 30/34 tỉnh, thành phố đến ngày 31/5 nhằm kiềm chế tốc độ lây lan của đại dịch COVID-19.
Tại cuộc họp báo cùng ngày, quan chức cấp cao Bộ Điều phối các vấn đề kinh tế của Indonesia, ông Susiwijono Moegiarso cho biết bắt đầu từ ngày 18-31/5, PPKM sẽ được thực hiện tại 30 tỉnh, thành phố. Riêng 4 tỉnh Maluku, Tây Sulawesi, Bắc Maluku và Gorontalo không phải thực hiện PPKM vì tỷ lệ lây nhiễn rất thấp.
Theo thống kê mới nhất, trong 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận thêm 4.295 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia Đông Nam Á này lên 1.744.045 người. Số bệnh nhân tử vong cũng tăng thêm 212 người, nâng tổng số lên 48.305 người. Trong khi đó, cũng đã có 1.606.611 người được ra viện sau khi được điều trị thành công, 89.129 người đang điều trị tại bệnh viện và cách ly độc lập.
Trong khi đó, tại Ấn Độ, số ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua được ghi nhận là 281.6, mức thấp nhất kể từ ngày 21/4. Tuy nhiên, với tổng số ca mắc đã lên tới 24,97 triệu ca và những dự báo về tốc độ lây nhiễm nhanh của biến thể mới, tình hình dịch bệnh tại quốc gia Nam Á này vẫn khiến giới chức đau đầu.
Trước tình hình dịch bệnh chưa thể kiểm soát, ngày 17/5, khoảng sinh viên y khoa Ấn Độ đã tốt nghiệp đại học tại Nga, Trung Quốc và Ukraine đã kêu gọi chính phủ cho phép họ tham gia cuộc chiến chống COVID-19 thay vì phải chờ đợi được cấp phép hành nghề trong nước. Theo quy định, tất cả sinh viên tốt nghiệp từ các trường y ở nước ngoài bao gồm cả Bangladesh, Philippines, Nepal và Kyrgyzstan... đều phải trải qua một kỳ thi tại Ấn Độ trước khi được phép hành nghề. Hiện nhiều người đã hoàn thành các bài kiểm tra và đang chờ giấy phép, trong khi một số khác phải chờ để được làm bài kiểm tra trước khi được cấp phép.
Ông Najeerul Ameen, Chủ tịch Hiệp hội Sinh viên Ấn Độ tốt nghiệp y khoa ở nước ngoài nhấn mạnh: "Chúng tôi không yêu cầu sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài tiến hành phẫu thuật, nhưng họ phải được phép làm việc với tư cách là nhân viên y tế tuyến đầu tại thời điểm quan trọng này". Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng Ấn Độ sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế tại các khoa chăm sóc đặc biệt, khi mà làn sóng dịch thứ hai đang hoành hành và cướp đi sinh mạng của khoảng 4.000 người mỗi ngày hiện nay.