Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, truyền thông địa phương ngày 7/6 dẫn lời người đứng đầu Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của tỉnh Tây Java, ông Daud Achmad cho biết quyết định trên có hiệu lực thi hành trong 28 ngày kể từ ngày 6/6. Tuy nhiên, PSBB sẽ được điều chỉnh theo từng huyện và làng dựa trên mức độ khẩn cấp của từng địa phương, cũng như kế hoạch của thủ đô Jakarta bắt đầu nới lỏng PSBB trong một số lĩnh vực vào tháng 6 này.
Trước đó, Thống đốc tỉnh Tây Java, ông Ridwan Kamil đã ban hành kế hoạch chuẩn bị cho giai đoạn “bình thường mới” nhằm tái khởi động một số lĩnh vực với điều kiện tuân thủ các biện pháp y tế về phòng chống dịch COVID-19.
Tính đến ngày 7/6, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 31.186 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.851 ca tử vong. Hiện vẫn còn 4 tỉnh cùng 10 thành phố và huyện tại quốc gia này duy trì PSBB, trong đó tỉnh Tây Java có thời hạn áp dụng kéo dài nhất.
Cùng ngày, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin thông báo nước này sẽ dỡ bỏ phần lớn các biện pháp hạn chế phòng dịch đối với hoạt động kinh doanh vào ngày 10/6, trong đó có lệnh cấm đi lại giữa các bang của nước này sau lệnh phong tỏa kéo dài gần 3 tháng.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Muhyiddin Yassin cho biết tình hình dịch COVID-19 hiện đang trong tầm kiểm soát và Malaysia sẽ bắt đầu giai đoạn phục hồi mới cho đến ngày 31/8.
Trước đó, hồi tháng 5, Chính phủ Malaysia đã dần cho phép các doanh nghiệp hoạt động trở lại song tuân thủ các hướng dẫn về giãn cách xã hội. Trước đó, ngày 18/3, Malaysia đã đóng cửa toàn bộ các hoạt động kinh doanh không thiết yếu, trường học, cấm các cuộc tụ tập và hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Trong ngày 7/6, Malaysia đã phát hiện thêm 19 ca nhiễm, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 8.322 trường hợp, trong đó có 117 ca tử vong.