Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh: “Chính ASEAN+3 đã cứu chúng ta khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Chính đoàn kết và hợp tác đã giúp kinh tế khu vực trụ vững. Hiện chúng ta đang được tiếp tục được thử thách với cuộc khủng hoảng toàn cầu nghiêm trọng hơn. Tôi thực sự tin rằng với tinh thần tương tự, chúng ta có thể ứng phó với cuộc khủng hoảng hiện nay”.
Nhà lãnh đạo Indonesia cho rằng ASEAN+3 cần tập trung vào ít nhất 3 vấn đề, gồm khủng hoảng lương thực, suy thoái kinh tế, ổn định an ninh và hòa bình khu vực. Trong đó, trước hết cần ngăn chặn khủng hoảng lương thực, các cơ chế an ninh lương thực trong khu vực cần được tăng cường và kho dự trữ gạo khẩn cấp của ASEAN+3 cần được tăng cường.
Theo ông Joko Widodo, công nghệ sản xuất lúa gạo bền vững là điều hoàn toàn cần thiết và năng lực sản xuất cũng cần được tích hợp với hệ thống hậu cần của các nước thành viên ASEAN+3 nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng và ổn định giá gạo.
Điều thứ hai theo ông Joko Widodo là cần tránh suy thoái kinh tế khu vực và đảm bảo ổn định tài chính. Theo đó, cần huy động sức mạnh tổng lực của các công cụ tài chính ASEAN+3 khác nhau, đặc biệt là Sáng kiến Đa phương hóa Chiang Mai. Khi có nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính, sức mạnh tổng lực này sẽ giúp ASEAN+3 nhận được cảnh báo sớm và hỗ trợ thanh khoản.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ Indonesia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức tài chính và ngân hàng trung ương, tăng cường huy động các nguồn lực trong nước và kiểm soát lạm phát một cách thận trọng.
Theo Tổng thống Joko Widodo, điều thứ 3 là ổn định, an ninh và hòa bình của khu vực là điều hoàn toàn cần thiết. Cạnh tranh cần được quản lý hợp lý để không biến thành xung đột và luật pháp quốc tế phải luôn được tôn trọng. Ông bày tỏ tin tưởng rằng nếu ASEAN+3 làm được tất cả những điều này, khu vực sẽ tiếp tục là “tâm điểm tăng trưởng” toàn cầu.