Trong thông cáo ngày 5/8, Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết phát biểu tại hội nghị trực tuyến này, Thứ trưởng Ngoại giao Indonesia Mahendra Siregar cho rằng vẫn có sự khác biệt rõ rệt trong việc tiếp cận vaccine trên toàn cầu.
Theo ông Mahendra, sự phân biệt đối xử về vaccine có thể cản trở các nỗ lực phục hồi, gây tác động rộng lớn. Để khắc phục điều này, Indonesia đề xuất thăm dò hợp tác nghiên cứu và sản xuất vaccine giữa ASEAN và các công ty ở các nước đối tác có giấy phép sản xuất vaccine và thuốc chữa trị COVID-19.
Ông Mahendra nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động đi lại của người dân trong khu vực nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế. Hiện ASEAN đã có khuôn khổ hỗ trợ cho hoạt động này, cụ thể là Thỏa thuận khung về hành lang du lịch ASEAN (ATCAF). Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Nga, Thứ trưởng Mahendra cho biết Thỏa thuận khung này có thể được mở rộng với các nước đối tác.
Indonesia cũng cho rằng tình hình địa chính trị an toàn và ổn định sẽ hỗ trợ nỗ lực phục hồi kinh tế mạnh mẽ. Về ổn định địa chính trị, Thứ trưởng Mahendra khẳng định rằng Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) là động lực chính cho sự ổn định của khu vực, đồng thời nhấn mạnh: “Đây là thời điểm thích hợp để biến Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) thành một hoạt động cụ thể”. Indonesia cũng bày tỏ quan điểm tương tự tại các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Australia, ASEAN-Nga và ASEAN-Ấn Độ.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Nga, Indonesia đã chuyển giao trọng trách điều phối quan hệ đối tác ASEAN-Nga cho Campuchia và kêu gọi Nga cam kết hợp tác cụ thể trong khuôn khổ AOIP.