Trong một tuyên bố, người đứng đầu Ủy ban Điều phối đầu tư (BKPM) Indonesia Tom Lembong cho biết Tổng thống nước này Joko Widodo đã cho phép tiếp nhận hỗ trợ quốc tế phục vụ cho công tác ứng phó và khắc phục thiệt hại sau thảm họa. Hàng chục cơ quan viện trợ và tổ chức phi chính phủ (NGO) cũng thông báo sẵn sàng cung cấp hỗ trợ cần thiết cho Indonesia trong công tác cứu hộ, cứu trợ và tái thiết.
Trước đó, nhiều quốc gia cho biết sẽ hỗ trợ Indonesia khắc phục hậu quả sau thảm họa kinh hoàng trên.
Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo khoản viện trợ khẩn cấp 1,5 tỷ euro (tương đương 1,74 triệu USD) cho Indonesia.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố nước này sẽ viện trợ nhân đạo 1 triệu USD để giúp đỡ những người dân Indonesia bị ảnh hưởng bởi thảm họa và hỗ trợ công tác tái thiết. Từ Bắc Kinh, Chủ tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình cũng khẳng định Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ để đáp ứng các nhu cầu của phía Indonesia. Tương tự, Chính phủ Australia cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ Indonesia bất cứ điều gì cần thiết để quốc gia này có thể phục hồi sau trận sóng thần nguy hiểm vừa qua.
Hiện giới chức Indonesia đang nỗ lực cung cấp lương thực, thực phẩm, viện trợ và các trang thiết bị cần thiết đến đảo Sulawesi. Các nhân viên cứu hộ đang chạy đua với thời gian và nỗ lực khắc phục tình cảnh thiếu thốn trang thiết bị để tiếp tục công tác tìm kiếm các nạn nhân đang bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla cảnh báo số người thiệt mạng có thể lên tới "hàng nghìn người" khi việc kết nối với các khu vực xa trung tâm được khôi phục và thông tin đầy đủ.