Indonesia khẳng định mục tiêu vì sự thịnh vượng của châu Á - Thái Bình Dương

Trong quá trình phát triển gần 30 năm qua, hợp tác chung của các nền kinh tế thành viên đã mang lại những lợi ích không nhỏ cho khu vực, đóng góp của mỗi nền kinh tế đã góp phần vào mục tiêu chung của APEC xây dựng một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương năng động, hài hòa và tự cường.

Phóng viên TTXVN tại Indonesia đã trao đổi về vấn đề này với Tiến sĩ Desr Percaya, Tổng Vụ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi, Bộ Ngoại giao Indonesia.

Tiến sĩ Percaya nhận định APEC đã đi một chặng đường dài kể từ khi thành lập và các nền kinh tế thành viên đã đạt những tiến bộ đáng kể trong nhiều lĩnh vực. Trong gần 3 thập niên qua, APEC đã góp phần duy trì tăng trưởng và thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tạo hàng triệu việc làm và đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo.

Một trong những động lực chính của sự tiến bộ này là "Mục tiêu Bogor" về thương mại tự do và mở cửa ở châu Á - Thái Bình Dương, được các nhà lãnh đạo APEC thông qua khi Indonesia tổ chức và chủ trì APEC 1994. Kể từ đó, mục tiêu Bogor đã thu hút các nền kinh tế thành viên theo đuổi sự phát triển bền vững và tăng trưởng công bằng. Điều này được thực hiện thông qua các chính sách nhằm tăng cường thương mại và đầu tư thông qua mở cửa kinh tế.

Theo Tiến sĩ Percaya, một số tiến bộ đã đạt được theo mục tiêu Bogor là mức thuế quan thấp hơn nhiều so với những năm 90 của thế kỷ trước; số lượng các hiệp định thương mại khu vực (RTA) và hiệp định thương mại tự do (FTA) tăng mạnh kể từ năm 2000. Song hành với đó là tăng cường khả năng tiếp cận với đầu tư nước ngoài và dịch vụ nhiều hơn trước trong nhiều lĩnh vực.

Các chỉ tiêu về thuận lợi hóa thương mại và đầu tư đã được cải thiện. Mức sống người dân được nâng lên cùng với tỷ lệ nhập học đại học tăng. Người dân các nền kinh tế thành viên đã tiếp cận điện lưới và tỷ lệ nghèo đói giảm đáng kể. Ông đánh giá APEC đang có những bước tiến đúng hướng, vì sự mở cửa thương mại và đầu tư đi kèm với cải tiến kinh tế xã hội trong khu vực.

Đề cập đến những khó khăn thách thức, Tiến sĩ Percaya cho biết bối cảnh khu vực và toàn cầu đang trải qua những thay đổi phức tạp và cơ bản, đặt ra nhiều thách thức. Cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ 4 và những tiến bộ trong công nghệ đã tạo ra những thay đổi trong xã hội, thay đổi phương thức kết nối và tương tác. Dù đà phục hồi kinh tế khu vực và thế giới đang trên cơ sở vững chắc hơn, rủi ro trung hạn và dài hạn có xu hướng giảm, nhưng các nền kinh tế APEC cũng như các nền kinh tế toàn cầu vẫn đang gặp phải những vấn đề đan xen và đa chiều.

Theo Tiến sĩ Percaya, một thách thức khác là tác động của toàn cầu hóa. Trong khi quá trình toàn cầu hóa diễn ra ngày càng sâu rộng, mở rộng thương mại, đầu tư đã mang lại sự thịnh vượng chưa từng có trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng không phải tất cả các nhóm và cá nhân đều được hưởng lợi từ quá trình này. Tiến sĩ nhấn mạnh đây là "nhiệm vụ chưa hoàn thành" cần phải tiếp tục giải quyết.

Khi mục tiêu Bogor chỉ còn thời hạn 3 năm, các nền kinh tế thành viên cần nỗ lực hơn nữa để đạt mục tiêu cũng như chuẩn bị hướng tới những dấu mốc vượt ra ngoài Mục tiêu Bogor. Tiến sĩ Percaya bày tỏ mong muốn Hội nghị Cấp cao APEC sắp tới tại Việt Nam sẽ thông qua "Tầm nhìn sau 2020", hướng dẫn định hướng tương lai của APEC và khẳng định vai trò lãnh đạo trong việc giải quyết những thách thức chung.


Đánh giá về các sáng kiến của Việt Nam và vai trò của Việt Nam trong APEC nói chung và vai trò chủ nhà APEC 2017 của Việt Nam nói riêng, Tiến sĩ Percaya khẳng định Indonesia ủng hộ các ưu tiên của Việt Nam với chủ đề "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung". Các ưu tiên có liên quan rất nhiều đến những thách thức hiện tại và đang nổi lên, cũng như những nỗ lực của APEC trong việc thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập kinh tế khu vực. Ưu tiên "thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và hòa nhập" là rất quan trọng đối với APEC, vì các nền kinh tế thành viên cần giải quyết những thách thức như bất bình đẳng, thất nghiệp, đói nghèo và tác động của tiến bộ công nghệ.

Sáng kiến của Việt Nam nhằm khởi động "Chương trình hành động vì sự tiến bộ hội nhập kinh tế, tài chính và xã hội trong khu vực APEC" rất phù hợp với ưu tiên quan trọng này. Việt Nam đã đóng vai trò lãnh đạo trong việc thúc đẩy các sáng kiến quan trọng khác như phát triển nguồn nhân lực trong thời đại kỹ thuật số; chiến lược phát triển xanh, bền vững và sáng tạo; và thúc đẩy sáng kiến khởi nghiệp đối với doanh nghiêp vừa và nhỏ. Indonesia hoan nghênh và ủng hộ những sáng kiến kịp thời này và coi đây là những phần việc quan trọng của APEC trong việc giải quyết những thách thức hiện nay.

Theo Tiến sĩ Percaya, các ưu tiên của APEC 2017 liên quan chặt chẽ đến các vấn đề của Indonesia. Năm nay, Indonesia đang tập trung thúc đẩy chương trình nghị sự về các vấn đề phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy hợp tác biển, tăng cường kết nối và đẩy mạnh các doanh nghiệp nhỏ, vừa và rất nhỏ (MSMEs). Tiến sĩ cho rằng Việt Nam, với tư cách chủ nhà APEC 2017, đã cố gắng hết sức để đưa các ưu tiên vào nội dung các cuộc thảo luận trong năm nay. Indonesia sẵn sàng hợp tác với Việt Nam và các nền kinh tế khác nhằm đóng góp cho một năm thành công của APEC.

TTXVN/Báo Tin Tức
APEC 2017: Thứ trưởng Ngoại giao Peru đánh giá cao triển vọng hợp tác với Việt Nam
APEC 2017: Thứ trưởng Ngoại giao Peru đánh giá cao triển vọng hợp tác với Việt Nam

Nhân dịp Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chuấn bị diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam, phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Ngoại giao Peru Nestor Popolizio về sự kiện quan trọng này và về mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Peru.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN