Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin dự án 2,13 tỷ USD được thi công từ năm 2015 này là bước đi hướng tới giảm tắc đường nghiêm trọng tại thủ đô Indonesia cũng như tình trạng ô nhiễm không khí tại đây.
Hệ thống giao thông đường sắt hạng nhẹ (LRT) vùng Đại Jakarta (gồm thủ đô Jakarta và 3 đô thị vệ tinh gồm Tây Java, Bekasi và Depok) dài 41,2 km. Mỗi toa LRT có thể chở 20 hành khách với 10 ghế ngồi. Toa LRT có chiều cao khoảng 9 mét.
Jakarta được xếp vào nhóm những thành phố ô nhiễm nhất thế giới kể từ tháng 5. Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho rằng giao thông đường bộ và các ngành công nghiệp sử dụng than đá đã dẫn đến ô nhiễm.
Theo ông, có gần 1 triệu phương tiện đi vào Jakarta mỗi ngày. Nhà lãnh đạo “xứ sở vạn đảo” nêu rõ: “Jakarta luôn nằm trong nhóm 10 thành phố với tình trạng tắc nghẽn giao thông tồi tệ nhất. Tắc đường và ô nhiễm luôn hiện diện tại Jakarta”.
Trước đó, LRT được dự kiến khánh thành vào ngày 18/8 sau nhiều lần trì hoãn. Tổng thống Widodo khẳng định không cần vội vã đưa LRT đi vào hoạt động bởi an toàn vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Ông đồng thời nói rằng trong giai đoạn vận hành ban đầu có thể xảy ra vấn đề bởi đây là dự án cơ sở hạ tầng đầu tiên hoàn toàn do Indonesia thực hiện. Nhà lãnh đạo Indonesia nhấn mạnh: “Đừng kỳ vọng vào hoạt động hoàn hảo… Tất cả đều do chúng ta tạo nên. Do đó, nếu có bất cứ thiếu sót gì chúng ta cũng nên cảm thông”.
Thủ đô Indonesia với dân số 10 triệu người hiện cũng sử dụng hệ thống tàu điện ngầm dài 16 km kết nối khu vực phía Nam với trung tâm Jakarta.