Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, người đứng đầu BMKG Dwikorita Karnawati cho hay do hoạt động ngày càng tăng của núi lửa Anak Krakatau theo thông báo của Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Địa chất và Núi lửa (PVMBG), cơ quan này khuyến cáo người dân cảnh giác về khả năng xảy ra sóng thần, đặc biệt là vào ban đêm. Bà Karnawati nhắc lại rằng núi lửa Anak Krakatau từng gây ra một số cơn sóng thần trong lịch sử. Mới đây nhất, ngày 22/12/2018, vụ phun trào cực lớn của núi lửa này đã gây ra một vụ lở đất dưới nước, kéo theo sóng thần tấn công một số khu vực ven biển ở các tỉnh Banten và Lampung khiến 437 người thiệt mạng.
Theo bà Karnawati, BMKG cùng PVMBG và Cơ quan Địa chất thuộc Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia hiện đang tiếp tục theo dõi các diễn biến liên quan đến hoạt động của ngọn núi lửa này và sự thay đổi mực nước biển ở eo biển Sunda nằm giữa hai đảo Sumatra và Java. Bà Karnawati nhấn mạnh rằng lời kêu gọi cảnh giác nói trên không đồng nghĩa với việc mọi người phải đi sơ tán sớm, đồng thời đề nghị công chúng tránh xa các tin tức giả mạo và chỉ tiếp nhận thông tin từ các nguồn chính thống như PVMBG, Cơ quan Địa chất, BMKG, BNPB, và Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Khu vực (BPBD).
Núi lửa Anak Krakatoa - một nhánh của núi lửa Krakatoa - đã phun trào ít nhất 21 lần trong những tuần gần đây, trong đó vụ phun trào ngày 24/4 là mạnh nhất với cột tro bụi cao tới 3.000 m, buộc giới chức trách Indonesia ban bố cảnh báo mức 3.