Động thái trên diễn ra sau khi một trận sóng thần bị kích hoạt do núi lửa Anak Krakatau phun trào vào tháng 12/2018 khiến hơn 400 người thiệt mạng và 14.000 người bị thương, gây thiệt hại trên diện rộng tại eo biển Sunda. Cơ quan phụ trách đánh giá và ứng dụng công nghệ của Indonesia (BPPT) thông báo sẽ lắp đặt phao và CBT tại vùng biển gần núi Krakatau vào ngày 10/4 tới. Núi Krakatau có vị trí gần tuyến đường hàng hải đông đúc, một khu công nghiệp và các điểm du lịch của Indonesia.
Theo người đứng đầu BPPT, CBT là một dây cáp có gắn cảm biến trên mặt biển để đo sự thay đổi mạnh của áp suất dưới nước, qua đó giúp phát hiện sóng thần. Hệ thống cảm biến này sẽ gửi dữ liệu thông qua vệ tinh đến điểm tiếp nhận trên bờ biển. Ngoài ra, hai chiếc phao khác sẽ được cài đặt dọc bờ biển phía Tây của đảo Sumatra, ngoài khơi tỉnh Bengkulu, và dọc theo bờ biển phía Nam của đảo Java.
Núi lửa Anak Krakatau (có nghĩa Con của Krakatau) là một hòn đảo mới nổi lên vào khoảng năm 1928 từ phần miệng còn lại của núi lửa Krakatau. Ngày 22/12/2018, núi lửa Anak Krakatau bị lở một phần sườn núi, dẫn tới sụt lún dưới biển cùng với đợt thủy triều dâng cao bất thường đã gây sóng thần ập vào khu vực ven biển ở eo biển Sunda và tàn phá nơi này. Những trận sóng thần xảy ra sau các trận động đất thường sẽ kích hoạt hệ thống cảnh báo, tuy nhiên, sóng thần lần này xảy ra do hoạt động của núi lửa nên không được phát hiện và cảnh báo kịp thời.
Indonesia hiện có 127 núi lửa hoạt động và nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi thường xuyên xảy ra động đất và núi lửa phun trào.