Số ca mắc mới COVID-19 đã tăng đột biến, trung bình hơn 24.000 trường hợp trong những ngày gần đây ở Indonesia, thậm chí ngày 2/7 lên tới 25.830 ca nhiễm và 539 ca tử vong.
Du lịch là một trong những lĩnh vực kinh tế của Indonesia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19. Gần một năm rưỡi qua kể từ khi trận “đại hồng thủy” này ập tới, ngành công nghiệp không khói của “đất nước vạn đảo” vẫn đang phải “cầm hơi” nhờ các gói cứu trợ và tìm đủ mọi cách để sớm thoát khỏi tình trạng bi đát hiện nay.
Theo thống kê chính thức, năm 2019, Indonesia đã đón 16,1 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng khoảng 10% so với một năm trước đó. Ngành du lịch có vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á khi đóng góp 5,86% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và thu hút 10,1% lực lượng lao động.
Sở hữu những tiềm năng to lớn về du lịch biển đảo, văn hóa và tôn giáo, Indonesia đã tự đặt ra cho mình những mục tiêu tham vọng, trở thành điểm đến hàng đầu châu Á và thế giới vào năm 2045 với 73,6 triệu lượt khách quốc tế. Nước này cũng thông qua lộ trình chi tiết theo từng 5 năm, lần lượt thu hút 21,6 triệu lượt khách năm 2020, tiếp đó 31,8 triệu lượt năm 2025, sau 5 năm tiếp theo đạt 42,8 triệu, kế đó là 57,5 triệu và năm 2040 sẽ là 65,1 triệu.
Để đạt mục tiêu trên, bên cạnh các đại dự án cơ sở hạ tầng và di dời thủ đô nhằm thay đổi toàn diện bộ mặt đất nước, chính quyền của Tổng thống Joko Widodo đã công bố và tập trung phát triển 4 điểm du lịch “siêu ưu tiên” hoặc “10 Bali mới”, trong đó có hồ Toba ở tỉnh Bắc Sumatra, đền Borobudur ở tỉnh Trung Java, khu vực Lombok-Mandalika ở tỉnh Tây Nusa Tenggara và đảo Komodo-Labuan Bajo ở tỉnh Đông Nusa Tenggara. Bước vào năm 2020, ngành du lịch Indonesia đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng đầy ấn tượng, hứa hẹn “bội thu” trong năm đầu tiên chinh phục các “đỉnh cao” nói trên. Tuy nhiên, gió đã nhanh chóng đảo chiều sau khi hai ca mắc COVID-19 đầu tiên chính thức được công bố vào ngày 2/3/2020, kéo theo những chuỗi ngày “thê thảm” chưa có hồi kết.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 lần lượt lây lan sang các tỉnh thành, Indonesia đã công bố nhiều chính sách để giải cứu lĩnh vực du lịch đang điêu đứng. Tháng 5/2020, chính phủ nước này đã tung gói kích thích trị giá 25.000 tỷ rupiah (1,7 tỷ USD) dưới hình thức giảm trực tiếp giá vé máy bay, phòng khách sạn cũng như cung cấp các phiếu mua tour giảm giá trên các ứng dụng trực tuyến, trong khuôn khổ chương trình phục hồi kinh tế quốc gia có tổng trị giá 318.090 tỷ rupiah.
Trên thực tế, các nỗ lực giải cứu trên đã không mang lại nhiều kết quả do được tung ra quá sớm khi cả Indonesia và hàng loạt quốc gia trên thế giới đang phải áp đặt các lệnh hạn chế đi lại và phong tỏa quy mô lớn nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh. Khép lại “năm COVID-19 thứ nhất”, Indonesia chỉ đón vẻn vẹn 4 triệu lượt khách du lịch nước ngoài, trong đó phần lớn được ghi nhận trong hai tháng đầu năm.
Theo ước tính của Hiệp hội Nhà hàng và Khách sạn Indonesia (PHRI), ngành du lịch đã bị thiệt hại 100.000 tỷ rupiah do đại dịch và khoảng 550.000 nhân viên khách sạn, chiếm tới 78,5% lao động đăng ký trong ngành, đã phải tạm nghỉ việc hoặc bị sa thải. Trong khi đó, thống kê của Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia cho thấy năm ngoái, khoảng 1 triệu lao động du lịch đã lâm vào cảnh thất nghiệp, giảm 6,67% từ mức 14,96 triệu vào năm 2019 xuống còn 13,96 triệu người. Không chỉ vậy, thời gian làm việc của các lao động du lịch cũng giảm mạnh, qua đó ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu nhập của họ.
Bali - điểm đến được mệnh danh là “thủ phủ du lịch” của Indonesia - ghi nhận mức sụt giảm sâu nhất trong số 34 tỉnh thành trên cả nước. Do phụ thuộc tới 80% vào du lịch và các lĩnh vực liên quan, nền kinh tế của “thiên đường nghỉ dưỡng” này đã tăng trưởng âm 12% trong năm ngoái và 9,85% trong quý I/2021. Theo số liệu từ nhà điều hành sân bay Angkasa Pura, hòn đảo này chỉ đón được 350 lượt khách nước ngoài từ tháng 1-4 vừa qua, trong khi lượng khách nội địa giảm từ 993.000 xuống còn 417.000 lượt.
Với quyết tâm vực dậy ngành du lịch, đầu năm 2021, Chính phủ Indonesia đã đưa ra hàng loạt biện pháp mới. Lên nắm quyền trong cuộc cải tổ nội các ngày 24/12/2020, tân Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Sandiaga Salahuddin Uno đặt mục tiêu thu hút 7 triệu lượt du khách nước ngoài trong năm nay. PHRI thậm chí còn lạc quan hơn với kế hoạch đón 13-14 triệu lượt với dự báo du khách quốc tế dự kiến sẽ bắt đầu quay lại Indonesia 3 tháng sau khi chương trình tiêm chủng toàn quốc ngừa COVID-19 được phát động ngày 13/1.
Chính phủ Indonesia tiếp tục dành ưu tiên tối đa để khôi phục ngành công nghiệp du lịch, thông qua hỗ trợ tài chính và kích cầu, thúc đẩy du lịch dựa vào vaccine, thiết lập hành lang du lịch với các nước... Hồi tháng 3, Bộ trưởng Sandiaga đã công bố gói kích cầu gần 3.700 tỷ rupiah dưới hình thức trợ cấp, hỗ trợ lãi suất, tái cơ cấu tín dụng và cấp các khoản vay vi mô nhằm “hà hơi tiếp sức” cho các doanh nghiệp du lịch. Gói kích cầu này được kỳ vọng sẽ giúp thu hút thêm 736.000 du khách nước ngoài và mang lại 13.000 tỷ rupiah nguồn thu ngoại hối. Trước đó vào tháng 2, chính trị gia nhiều triển vọng thuộc Phong trào Indonesia vĩ đại (Gerindra) này cũng thông báo gói vay ưu đãi với tổng trị giá 9.400 tỷ rupiah nhằm thúc đẩy phục hồi du lịch Bali.
Ngoài ra, Chính phủ Indonesia còn triển khai kế hoạch cử hàng nghìn công chức ở Jakarta tham gia chương trình “Làm việc từ Bali (WFB)”. Theo kế hoạch, khoảng 8.000 nhân viên thuộc 7 bộ dự kiến sẽ tham gia WFB dưới sự điều tiết của Bộ Điều phối Các vấn đề hàng hải và Đầu tư trong nỗ lực hỗ trợ khẩn cấp các khách sạn ở Bali vốn đang đối mặt với nguy cơ đóng cửa và phá sản hàng loạt. Sáng kiến này được kỳ vọng tạo hiệu ứng dây chuyền, khuyến khích người lao động từ khu vực tư nhân tới Bali làm việc từ xa, qua đó giúp tạo nguồn cho khoảng 140.000 phòng khách sạn địa phương đang hoạt động ở mức 9% công suất.
Sau nhiều nỗ lực bất thành hồi năm ngoái, cũng như hồi tháng 4 và tháng 6 vừa qua, Chính phủ Indonesia hạ quyết tâm mở cửa một phần biên giới vào tháng 7. Để thực hiện kế hoạch này, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ cấp chứng chỉ vệ sinh, y tế, an toàn và môi trường (CHSE) cho các cơ sở kinh doanh du lịch nhằm tạo niềm tin cho các du khách, Bộ tDu lịch và Kinh tế sáng tạo phối hợp với nhiều bộ ngành liên quan soạn thảo các quy trình hoạt động tiêu chuẩn (SOP) về y tế, thiết lập các “vùng xanh” hay “hành lang không COVID-19” tại các đảo Bintan, Batam thuộc tỉnh Quần đảo Riau, và đảo Bali với việc ưu tiên cung ứng vaccine cho ít nhất 70% người dân sở tại ngay trong tháng 7.
Nhằm đưa khách đến các điểm du lịch này, Indonesia đã tiến hành đàm phán và ký kết các thỏa thuận hợp tác thiết lập “hành lang du lịch” hay “bong bóng du lịch” với nhiều quốc gia, trong đó có Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Trung Quốc, Singapore và Hà Lan. Đặc biệt, Tổng thống Joko Widodo đã phê chuẩn một chiến lược mới nhằm hút khách du lịch đến với Bali thông qua kế hoạch cung cấp vaccine miễn phí. Việc cung cấp vaccine này được kỳ vọng sẽ trở thành tiền đề hồi sinh du lịch "xứ rồng Komodo", để Indonesia không bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua tranh nhằm trở thành điểm đến an toàn của thế giới hậu đại dịch.
Tuy nhiên, kế hoạch trên đang có nguy cơ bị đổ bể trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại Indonesia liên tục tăng trong vài tuần trở lại đây, chủ yếu do sự lây lan của biến thể Delta nguy hiểm có nguồn gốc từ Ấn Độ. Ngày 1/7, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Sandiaga đã quyết định hoãn chương trình “Làm việc từ Bali" do việc áp đặt PPKM khẩn cấp. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Sandiaga cũng quyết định đình chỉ các chương trình phục hồi du lịch khác như mở cửa trở lại Bali cho du khách nước ngoài, chương trình du lịch dựa vào vaccine và thỏa thuận hành lang du lịch (TCA). Trước nguy cơ hệ thống y tế bị quá tải và sụp đổ, chính quyền quốc gia đông thứ tư thế giới này đã buộc phải siết chặt các hạn chế đi lại, qua đó chất thêm gánh nặng lên lưng các doanh nghiệp du lịch đã kiệt quệ, đuối sức. Một lần nữa, Indonesia chưa thể thực hiện kế hoạch tái mở cửa du lịch quốc tế được ngóng chờ và chuẩn bị từ lâu.