Indonesia, Malaysia cứng rắn xử lý ngư dân nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép

Trong bối cảnh tình trạng ngư dân nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép tại các vùng biển của Indonesia và Malaysia diễn biến phức tạp, hai quốc gia Đông Nam Á này mới đây đã có sự điều chỉnh hình thức xử lý theo hướng cứng rắn hơn đối với những trường hợp vi phạm.

Chú thích ảnh
Một tàu cá hoạt động trái phép trên vùng biển Kuala Langsa, Aceh, Indonesia bị đánh chìm. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Biển và Nghề cá Indonesia Edhy Brabowo vừa thông báo quốc gia này sẽ không đánh chìm các tàu cá nước ngoài bị bắt giữ do đánh bắt trái phép hải sản tại vùng biển của Indonesia. Thay vào đó, sau khi quyết định của tòa án có hiệu lực, Bộ trên sẽ tiến hành các thủ tục để trao tặng các tàu cá vi phạm cho các hợp tác xã địa phương cũng như cho các cơ sở giáo dục, do hiện nay các cơ sở này đang thiếu tàu để thực hành.

Đối với các tàu trao tặng cho các hợp tác xã, để không sử dụng sai mục đích và bán lại cho các đối tượng khác, Bộ Biển và Nghề cá Indonesia sẽ cài định thiết bị đặc biệt và giao cho bộ phận chức năng theo dõi hoạt động của các con tàu này.

Cũng theo Bộ trưởng Brabowo, trong trường hợp đặc biệt, việc đánh chìm tàu cá nước ngoài chỉ được thực hiện nếu tàu cá đó chống cự khi bị các Cơ quan Giám sát tài nguyên hàng hải Indonesia bắt giữ.

Về phía Malaysia, hiện nước này đang áp dụng hình thức xử lý theo hướng tăng nặng các hình phạt. Cụ thể, Malaysia đã tăng hình phạt tối đa đối với chủ tàu hoặc thuyền trưởng tàu nước ngoài bị bắt vì xâm phạm vùng biển Malaysia từ mức 1 triệu ringgit (khoảng 230.000 USD) trước đây lên thành 6 triệu ringgit, trong khi mỗi thuyền viên bị phạt 600.000 ringgit. Bên cạnh đó, Malaysia cũng áp dụng mức phạt tối đa 2 năm tù giam đối với ngư dân vi phạm.

Trong giai đoạn Malaysia áp dụng Lệnh giới hạn đi lại (MCO) để ngăn ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan, Cơ quan Thực thi Hàng Hải Malaysia (MMEA) chỉ xua đuổi tàu cá nước ngoài xâm phạm lãnh hải và đánh bắt cá trái phép. Tuy nhiên, trước tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp tiếp tục gia tăng và gây thiệt hại khoảng 6 tỷ ringgit (tương đương 1,4 tỷ USD) cho kinh tế Malaysia mỗi năm, Malaysia gần đây đã tăng cường việc bắt giữ tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép trong vùng biển nước này thay vì chỉ xua đuổi như trong giai đoạn MCO.

Hồi cuối tháng 6, Giám đốc MMEA bang Terengganu, ông Suffi Mohd Ramli cho biết việc ra quyết định giam các ngư dân nước ngoài đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển của Malaysia được tiến hành thông qua các cuộc họp trực tuyến thay vì phải xét xử tại tòa án như trước đây. 

Trước việc các biện pháp phạt tù hay tăng mức phạt tiền không hiệu quả trong nỗ lực ngăn chặn ngư dân nước ngoài xâm nhập trái phép vào vùng biển của Malaysia để đánh bắt trộm hải sản, MMEA đã nghiên cứu và đề xuất lên Cục Thủy sản Malaysia một số biện pháp cứng rắn hơn để xử lý vấn đề này, trong đó có biện pháp phạt đánh roi đối với các ngư dân vi phạm. Biện pháp này đang được Indonesia áp dụng và tỏ ra rất có hiệu quả.

Tổng Giám đốc MMEA, Đô đốc Mohd Zubil Bin Mat Som nhấn mạnh thông điệp của MMEA gửi đến ngư dân nước ngoài, đó là, nếu không chấm dứt hoạt động đánh bắt trộm hải sản tại Malaysia, họ sẽ phải đối mặt với những trừng phạt nghiêm khắc hơn rất nhiều.

Đình Ánh - Mạnh Tuân - Hoàng Nhương (TTXVN)
Indonesia thôi đánh chìm tàu cá bất hợp pháp để trao cho hợp tác xã địa phương
Indonesia thôi đánh chìm tàu cá bất hợp pháp để trao cho hợp tác xã địa phương

Bộ trưởng Bộ Biển và Nghề cá Indonesia Edhy Brabowo ngày 15/7 thông báo quốc gia này sẽ không đánh chìm các tàu cá nước ngoài bị bắt giữ do đánh bắt trái phép hải sản tại vùng biển của Indonesia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN