Phát biểu họp báo, Ngoại trưởng Retno cho hay ngoài các nỗ lực song phương để bảo đảm cung ứng vaccine, Bộ Ngoại giao Indonesia cùng Bộ Y tế và Bộ Tài chính "đã liên hệ với Geneva" để mua vaccine qua kênh đa phương. Bà Retno nói rõ: "Một số quy trình hành chính và chuẩn bị kỹ thuật cần được thực hiện, đặc biệt là về phía Bộ Y tế và Bộ Tài chính. Một trong số đó là gửi yêu cầu vaccine lên COVAX. Việc nộp đơn đã được thực hiện ngày 7/12 theo đúng thời hạn".
Người đứng đầu ngành ngoại giao Indonesia cho hay còn một số bước cần thực hiện trước cuối năm 2020, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng vaccine cung cấp thông qua sáng kiến đa phương này có thể được chuyển giao cho Jakarta theo từng giai đoạn trong năm 2021.
Hồi tháng 9/2020, Indonesia đã nhất trí tham gia vào Cơ chế tiếp cận vaccine COVID-19 toàn cầu COVAX do WHO, liên minh vaccine GAVI và Liên minh Đổi mới sáng tạo Sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) dẫn đầu. Sáng kiến này đặt mục tiêu phân phối công bằng 2 tỷ liều vaccine vào cuối năm 2021.
Indonesia nằm trong số 92 quốc gia được liệt kê trong Cam kết thị trường mở tiên tiến GAVI COVAX (AMC) - một cơ chế tài chính được thiết lập để đảm bảo các công ty dược phẩm lớn cung cấp vaccine COVID-19 với mức giá phải chăng cho các quốc gia đang phát triển. Ngoại trưởng Retno cho biết điều này sẽ cho phép Indonesia nhận được vaccine từ Cơ chế COVAX cho 3-20% dân số của mình.
Cũng theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, chính quyền thành phố Jakarta đã kéo dài giai đoạn chuyển tiếp của các hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB) thêm 2 tuần bắt đầu từ ngày 7-21/12 trong bối cảnh các trường hợp mắc COVID-19 tiếp tục gia tăng tại khu vực thủ đô.
Trong một tuyên bố ngày 7/12, Thống đốc Jakarta Anies Baswedan cho biết Jakarta đã ghi nhận sự gia tăng các ca lây nhiễm COVID-19 sau kỳ nghỉ lễ kéo dài vào cuối tháng 10 với hàng trăm ổ dịch gia đình mới xuất hiện trong thành phố. Ông Anies cho hay từ ngày 23-29/11, giới chức đã phát hiện 410 cụm dịch gia đình với tổng cộng 4.052 ca, chiếm 41% trong tổng số các ca mắc COVID-19 được vào hiện trong cùng thời gian. Tính đến nay, Jakarta đã ghi nhận tổng cộng 5.662 cụm dịch gia đình với 53.163 ca mắc.
Số ca nhiễm mới tại Jakarta đã tăng 13,4% trong tháng vừa qua, đạt 145.427 ca tính đến ngày 7/12. Cả Thống đốc Anies và Phó Thống đốc Ahmad Riza Patria đều xét nghiệm cho kết quả dương tính với COVID-19 vào tuần trước. Theo thống kê, tỷ lệ lấp đầy giường tại 98 bệnh viện được chỉ định chữa trị bệnh nhân COVID-19 trên toàn địa bàn thủ đô đã tăng lên 79% vào ngày 5/12 từ mức 56% vào ngày 7/11.
Bất chấp các ca nhiễm mới gia tăng, ông Anies khẳng định rằng đại dịch COVID-19 vẫn đang được kiểm soát tại Jakarta dựa trên số liệu dịch tễ học được thu thập trong 2 tuần qua. Ngoài ra, tỷ lệ xét nghiệm dương tính tại thủ đô tiếp tục giảm, từ mức 9,1% trong tháng 11 xuống 8,2% hiện nay. Cuối cùng, Thống đốc Anies tuyên bố rằng chính quyền Jakarta sẽ không ngần ngại thực hiện "chính sách phanh khẩn cấp" - đề cập đến việc siết chặt PSBB - nếu các chỉ số dịch tễ học cho thấy đại dịch COVID-19 vượt tầm kiểm soát.