Theo người đứng đầu Cơ quan Núi lửa quốc gia Kasbani (Ca-ba-ni), đây là đợt phun trào mạnh nhất trong năm nay của núi lửa Sinabung. Tuy nhiên, theo ông Kasbani, tro bụi thoát ra từ núi lửa không bay tới thành phố Medan (Mê-đan) và khu vực sân bay quốc tế Kualanamu nên không ảnh hưởng tới các chuyến bay tại tỉnh Bắc Sumatra. Cơ quan trên không đưa ra đề nghị sơ tán dân, cũng như không mở rộng khu vực cấm đi lại quanh núi lửa.
Trong ảnh: Núi lửa Sinabung ở Karo, Indonesia phun tro bụi ngày 23/1. THX/TTXVN |
Núi lửa Sinabung đã "ngủ yên" trong 4 thế kỷ trước khi phun trào trở lại vào năm 2010. Kể từ đó, ngọn núi này đã phun trào vào các năm 2014 và 2016.
Trong một diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, chính quyền tỉnh Tây Kalimantan (Ca-li-man-tan) của nước này đã thông báo tình trạng khẩn cấp ô nhiễm khói mù ở một số vùng đất than bùn bắt đầu cháy lan rộng khi mới chớm vào mùa khô tại khu vực huyện Mempawah (Mem-pa-oa). Huyện trưởng Gusti Ramlana (Gu-xti Ram-la-na) cho biết tình trạng khẩn cấp sẽ kéo dài đến ngày 30/6 tới. Hiện các đám cháy đã được theo dõi ở một số khu vực. Các địa phương đang chờ Cơ quan giảm nhẹ thiên tai địa phương (BPPD) sớm đưa ra bản đồ các khu vực dễ bị cháy rừng và cháy đất để có kế hoạch đối phó.
Trước đó, trưởng trạm khí hậu học thuộc Cơ quan Khí tượng và Khí tượng học Memawah (BMKG) Wandayantolis (Oan-đây-an-tô-lít) cho biết cơ quan này lo ngại các đám cháy sẽ lan ra nhiều khu vực khác ở Tây Kalimantan.
Trong khi đó tại Riau (Ri-au), BPPD của thành phố Dumai thông báo hỏa hoạn đã gây thiệt hại khoảng 20 hécta rừng và đất nông nghiệp trong khu vực Tanjung Penyembal.
Tình trạng cháy rừng, cháy đất than bùn ở Riau và Tây Kalimantan là mối đe dọa thường trực nơi đây. Đây từng là nguyên nhân khiến khói mù dày đặc lan sang cả một số nước lân cận như Malaysia và Singapore, gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân trong khu vực.