Phát biểu họp báo tại Jakarta, người đứng đầu BPOM, bà Penny K. Lukito cho biết loại vaccine nội sử dụng nền tảng tiểu đơn vị protein này có thể được sử dụng để tiêm tăng cường mũi thứ 3 hoặc mũi thứ 4 cho người dân.
Trước đó, Chủ tịch - Tổng Giám đốc PT Bio Farma, ông Honesti Basyir thông báo rằng công ty đã sẵn sàng sản xuất 20 triệu liều vaccine IndoVac mỗi năm trong giai đoạn đầu và có thể nâng công suất lên 40 triệu liều vào năm 2023 với việc bổ sung các cơ sở sản xuất. Ông cũng tuyên bố rằng năng lực sản xuất vaccine IndoVac của hãng dược quốc doanh này có thể được tăng lên 100 triệu liều mỗi năm vào năm 2024.
Bio Farma đã bắt đầu sản xuất vaccine IndoVac nhằm đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước. Để đáp ứng nhu cầu trong nước, Bio Farma sẽ đệ trình tất cả các cơ chế lên Bộ Y tế và đáp ứng nhu cầu đặt hàng.
Liên quan đến kế hoạch xuất khẩu, Bio Farma đang trong quá trình đệ trình lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để đưa vaccine IndoVac vào Danh sách Sử dụng Khẩn cấp (EUL). Sau khi có được EUL, Bio Farma sẽ có thể cung cấp sản phẩm vaccine ngừa COVID-19 này ở ngoài nước.
Trước đó, kết quả các cuộc thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine IndoVac an toàn về mặt tác dụng phụ sau tiêm chủng với các tác dụng phụ nhẹ như đau tại chỗ tiêm. IndoVac cũng được chứng minh là có hiệu quả tốt trong việc tăng nồng độ kháng thể. Trong các thử nghiệm miễn dịch cùng với các loại vaccine đối chứng khác, IndoVac đạt hiệu quả bảo vệ trên 80%. Với kết quả này, IndoVac có hiệu lực bảo vệ không thua kém, thậm chí cao hơn so với các loại vaccine đối chứng khác.