Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn lời người đứng đầu Cơ quan giảm nhẹ thiên tai ở Bali, ông Dewa Putu Mantera cho biết các trạm còi báo động sóng thần sẽ được đặt tại một số bãi biển ở các khu vực ven biển phía Tây và phía Đông của hòn đảo. Việc xây dựng các trạm còi báo động này có thể được phối hợp giữa chính quyền với khu vực tư nhân thông qua các chương trình trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Indonesia nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi một số mảng kiến tạo gặp nhau nên thường xuyên gây ra các hoạt động của núi lửa và những cơn địa chấn, động đất. Trong năm 2018, quốc đảo này đã phải hứng chịu tổng cộng 11.577 trận động đất và nhiều thiên tai gây thiệt hại lớn về người và của như sạt lở đất ở Suka Bumi, tỉnh Tây Java; động đất tại đảo Lombok; thảm họa kép động đất, sóng thần ở Trung Sulawesi, sóng thần tại Eo biển Sunda giữa hai đảo Sumatra và Java... Các thảm họa trên đã làm ít nhất hơn 3.000 người thiệt mạng. Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) đã cảnh báo về các thảm họa thiên nhiên có thể tiếp tục xảy ra, như lũ lụt, lở đất và gió lốc, trong mùa mưa cao điểm hiện nay trên khắp đất nước vạn đảo.
Chính phủ Indonesia đã quyết định chi 15.000 tỷ rupiah (1,1 tỷ USD) từ ngân sách nhà nước năm 2019 cho công tác dự báo và giảm nhẹ thiên tai, tăng hơn gấp đôi so với năm 2018, trong đó 10.000 tỷ rupiah dành cho các hoạt động ứng phó với các thảm họa thiên nhiên.