Trên 10.000 nhân viên cứu hộ đang tăng cường nỗ lực tìm kiếm thi thể các nạn nhân trong các đống đổ nát, đặc biệt là tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở phía Nam thành phố Palu, nơi được cho là vẫn còn nhiều người đang mắc kẹt trong những lớp bê tông sắt thép dày đặc hay bùn đất sau thảm họa.
Tại làng Balaroa ngay cạnh Palu - thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong thảm họa trên, có ít nhất 9 chiếc máy xúc hoạt động hỗ trợ công tác tìm kiếm.
Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia quyết định sẽ kết thúc hoạt động tìm kiếm vào ngày 11/10 tới, đồng thời thể hiện quan ngại về vấn đề dịch bệnh lây lan.
Khu vực bị ảnh hưởng sẽ chuyển từ tình trạng ứng phó khẩn cấp để bước vào giai đoạn phục hồi và tái thiết với sự tham gia của nhiều cơ quan, bộ ngành, trong đó Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia Indonesia được giao nhiệm vụ tính toán các nhu cầu và lập kế hoạch cho các bước tái thiết, ước tính sẽ phải mất 2 năm để thực hiện các kế hoạch này.
Dự kiến, các đống đổ nát sẽ được dọn sạch và các khu vực có nhiều người thiệt mạng sẽ được xây dựng thành công viên, khu thể thao và đài tưởng niệm.
Chiều 28/9, tỉnh Trung Sulawesi của Indonesia đã liên tục hứng chịu 2 trận động đất mạnh, làm rung chuyển cả khu vực. Các trận động đất này gây ra sóng thần cao từ 3 đến 6m, phá hủy nhiều nhà cửa, công trình xây dựng trong khu vực.
2.010 người thiệt mạng
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, người phát ngôn Cơ quan xử lý thiên tai Indonesia Sutopo Purwo Nugroho ngày 9/10 cho biết tính đến 13 giờ cùng ngày, số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa động đất, sóng thần ở Trung Sulawesi đã lên tới 2.010 người, 10.679 người bị thương và 82.775 người phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán. Hiện nay vẫn còn khoảng 5.000 người bị mất tích, 67.310 ngôi nhà, 2.736 trường học và 20 cơ sở y tế bị phá hủy.