Indonesia sẽ thành lập Trung tâm đào tạo báo chí Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm giúp nâng cao năng lực của các nhà báo trong khu vực. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Thông báo với giới truyền thông sau buổi ra mắt Ban chấp hành mới của Hội Nhà báo Indonesia (PWI), Chủ tịch PWI, Margiono cho biết PWI sẽ thành lập một cơ sở đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho phóng viên các nước thành viên ASEAN với tên gọi "Trung tâm Đào tạo Báo chí ASEAN", đặt tại thành phố Palembang, thủ phủ tỉnh Nam Sumatra.
Theo ông Margiono, ý tưởng thành lập một trung tâm đào tạo báo chí ASEAN do Ban chấp hành PWI và Ban thư ký Liên đoàn các Nhà báo ASEAN (CAJ) đề xuất, với mục tiêu tăng năng lực và tính chuyên nghiệp của các nhà báo ASEAN thông qua các chương trình giáo dục và đào tạo.
PWI sẽ thông báo kế hoạch chi tiết về việc thành lập cơ sở đào tạo báo chí này tại cuộc họp Đại hội đồng CAJ diễn ra từ ngày 21-25/11 tới tại Manila, Philippines.
Thư ký thường trực CAJ, ông Akhmad Kusaeni đánh giá cao sự đóng góp của PWI và nhấn mạnh nâng cao năng lực của các nhà báo là một nhiệm vụ rất quan trọng trong hoạt động của CAJ cũng như của các Hội nhà báo thành viên.
Trong một diễn biến khác, từ ngày 29-31/10, tại Trung tâm quốc tế Ấn Độ (India International Centre – IIC) ở thủ đô New Delhi đã diễn ra Hội nghị truyền thông châu Á.
Nhiều tổng biên tập các báo, đài phát thanh, trưởng văn phòng đại diện các hãng thông tấn, Đại sứ một số nước châu Á, cùng đại diện Ủy ban kinh tế xã hội châu Á-Thái Bình Dương của LHQ (UN-ESCAP), Giám đốc UNESCO phụ trách các nước Ấn Độ, Bhutan, Maldives và Sri Lanka, cùng các học giả, các quan chức và những người hoạt động trong lĩnh vực tuyền thông Ấn Độ, đã tham dự Hội nghị. Trưởng Cơ quan đại diện Thông tấn xã Việt Nam tại New Delhi cũng được mời tham dự Đoàn Chủ tịch và phát biểu tại Hội nghị.
Với chủ đề “Châu Á: Chúng ta tự nói” (Asia: Speaking to ourselves), trong ba ngày diễn ra hội nghị, các đại biểu đã thảo luận vai trò quan trọng của thông tin-truyền thông đối với đời sống xã hội, bàn cách thức tăng cường hợp tác thông tin giữa các nước châu Á nhằm đối phó với thách thức và tăng cường cơ hội kết nối giữa các tổ chức truyền thông châu Á.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Kapila Vatsyayan, Chủ tịch Dự án châu Á của IIC (Chairperson IIC-Asia Project) và ông Suhas Borker, Điều phối viên Hội nghị, đã nêu bật những thuận lợi và thách thức của những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, đặc biệt trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của kết nối thông tin tại châu Á cũng như trên toàn thế giới.
Theo bà Kapila Vatsyayan, công nghệ thông tin mới đã mở ra những cánh cổng kết nối thông tin nhanh chóng giữa các nước châu Á và thế giới. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, đặc biệt là kỹ thuật số, đã góp phần thu hẹp khoảng cách về thời gian và không gian. Kỹ thuật số đã trở thành xu hướng phổ biến trong lĩnh vực truyền thông thế giới nhằm nâng cao hiệu quả thông tin và đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của độc giả, đồng thời tạo nên thách thức đối với những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, đòi hỏi họ phải năng động, sáng tạo và phát huy tính hiệu quả…
Ông Suhas Borker nhấn mạnh tầm quan trọng của những phương tiện kết nối đường bộ, đường sắt, đường không và đường thủy, đồng thời nêu bật những kênh kết nối giữa các nước châu Á thông qua lĩnh vực truyền thông. Ông tuyên bố sự kết nối như vậy không chỉ khích lệ tiến trình kết nối về truyền thông, mà còn làm thay đổi cách suy nghĩ và cụ thể hóa tầm nhìn của một cộng đồng châu Á.
Ý tưởng cơ bản của Hội nghị thông tin châu Á (Asian Media Conference – AMC) là thăm dò tiến trình kết nối thông tin này. Ông tuyên bố công nghệ mới tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức đối với việc thiết lập một trật tự thông tin-truyền thông quốc tế cân bằng và công bằng hơn. Là nơi chiếm tới 60% dân số hiện nay của thế giới, châu Á có thể dẫn đầu trong tiến trình này.
TTXVN/Tin tức