Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, tuyên bố bằng văn bản cho biết, bên cạnh tình trạng khan hiếm giường bệnh tại các bệnh viện, một vấn đề hiện không kém phần cấp bách cần khắc phục là tình trạng khan hiếm oxy cho bệnh nhân COVID-19. Chính quyền trung ương phải vào cuộc một cách hệ thống và nhanh chóng hơn để xử lý vì tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của bệnh nhân đang được điều trị. Vấn đề khan hiếm oxy không thể được giải quyết chỉ bằng các phương tiện phản ứng mà phải được dự đoán sớm nhất có thể.
Việc sử dụng tối đa công nghệ thông tin phải được thực hiện để có được dữ liệu chắc chắn và minh bạch, từ đó có thể lập bản đồ về tình trạng sẵn có của giường bệnh và oxy ở các thành phố khác nhau.
Bà Puan đề nghị chính phủ thực hiện ngay chính sách chuyển hướng oxy phục vụ nhu cầu công nghiệp thành oxy y tế. Ngoài ra, việc giám sát chuỗi cung ứng oxy từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng phải được chính phủ quan tâm.
Chính phủ Indonesia đã quyết định 90% sản lượng oxy quốc gia sẽ được sử dụng cho nhu cầu y tế. Chính sách này phải được thực hiện ngay lập tức để đề phòng các tình huống khẩn cấp khi số ca mắc COVID-19 tiếp tục gia tăng. Số liệu của Bộ Y tế Indonesia cho thấy nước này ngày 5/7 đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất kể từ đầu dịch, với 29.745 ca, và 558 ca tử vong do bệnh này, nâng tổng số ca mắc và tử vong ở đây lần lượt lên thành 2.313.829 ca và 61.140 ca.
Hiện nay, các bệnh viện trên đảo Java đang gặp tình trạng thiếu oxy trầm trọng, vì vậy việc chuyển hướng tạm thời cung cấp oxy từ bên ngoài khu vực đến Java có thể được xem xét. Bên cạnh đó, chính phủ cần tổ chức các trung tâm nạp oxy để đáp ứng nhu cầu cho những bệnh nhân COVID-19 đang tự cách ly tại nhà. Hiệp hội Bệnh viện Indonesia (PERSI) cho biết ít nhất 5 khu vực đang gặp phải tình trạng khan hiếm oxy y tế, gồm Yogyakarta, Trung Java, Tây Java, thủ đô Jakarta và Banten.
Tại cuộc họp với Ủy ban IX của Hạ viện cùng ngày, Tổng thư ký Hiệp hội các bệnh viện Indonesia (Persi) Lia Gardenia Partakusuma cho biết tính đến ngày 28/6 vừa qua đã có 1.031 nhân viên y tế tại nước này tử vong do mắc COVID-19, bao gồm 405 bác sĩ, 328 y tá, 160 nữ hộ sinh, 43 nha sĩ, và 95 nhân viên y tế khác.
Trước tình hình này, bà Lia đề nghị Tổng thống Joko Widodo đặc biệt lưu ý vì đây là tình huống khẩn cấp và nguy kịch. Đồng thời, Persi cũng đưa ra 5 khuyến nghị cho Chính phủ. Theo đó, chính quyền Trung ương và các khu vực cần thực hiện các biện pháp hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB). Chính quyền Trung ương cần hỗ trợ khẩn cấp, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các nguồn lực, cả về nhân viên y tế, hậu cần và chi phí hoạt động cho các cơ sở dịch vụ y tế. Persi đề xuất chính phủ hỗ trợ tâm lý và cung cấp những ưu đãi đầy đủ và kịp thời cho nhân viên y tế. Chính quyền Trung ương tích cực tăng cường năng lực xét nghiệm và truy vết nguồn lây. Persi cũng đề nghị chính phủ tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực cung cấp vaccine COVID-19 cho người dân.
Cùng ngày 5/7, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in một lần nữa cảnh báo chính phủ sẽ xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm các quy tắc giãn cách xã hội sau một cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra vào ngày 3/5 tại thủ đô Seoul.
Tổng thống cũng nhấn mạnh Hàn Quốc đang trong thời điểm quan trọng để kiểm soát COVID-19 khi các ca mắc gia tăng bởi biến thể Delta nguy hiểm, đặc biệt là ở thủ đô Seoul và các khu vực lân cận.
Ông Moon Jae-in kêu gọi kiểm tra các cơ sở có nguy cơ cao và thực hiện Đạo luật phòng chống lây lan dịch bệnh nâng cao nhằm vào các doanh nghiệp vi phạm các quy tắc giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, lãnh đạo Hàn Quốc cho biết đất nước cũng gặp khó khăn trong việc vừa đảm bảo phát triển kinh tế vừa chống dịch hiệu quả.
Ông Moon Jae-in đưa ra cảnh báo trên sau khi khoảng 8.000 thành viên của Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc (KCTU) tổ chức một cuộc biểu tình trên đường phố ở trung tâm Seoul ngày 3/5 nhằm kêu gọi sửa luật lao động bất chấp cảnh báo nhiều lần của chính quyền.