Khoảng 5.000 nhà báo thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí ở Indonesia sẽ tham gia chương trình tiêm chủng kéo dài từ ngày 25 - 27/2.
Nhà báo là một trong số các đối tượng ưu tiên trong giai đoạn hai chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 của Indonesia. Trước đó, Indonesia thông báo kế hoạch tiêm chủng vaccine cho 5 triệu trong tổng số 5,5 triệu giáo viên của nước này trong tháng 6 tới.
Chương trình tiêm chủng quốc gia của Indonesia được khởi động hôm 17/2 vừa qua với mục tiêu tiêm vaccine cho ít nhất ,5 triệu người. Indonesia cũng tiến tới tiêm chủng cho 181,5 triệu người, tương đương 2/3 trong tổng số trên 270 triệu dân của nước này trong vòng 15 tháng.
* Tại Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long đang thảo luận với lãnh đạo một số nước về việc cấp chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, coi đây là bước đi cần thiết để nối lại hoạt động đi lại trên toàn cầu.
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, trong một đoạn video đăng tải trên Facebook cá nhân ngày 24/2, ông Lý Hiển Long nhấn mạnh, dù mỗi nước đều đang nỗ lực để có nguồn cung vaccine ngừa COVID-19, nhưng thế giới cần phải hợp tác để tất cả các nước, kể cả các nước đang phát triển, đều có thể tiếp cận vaccine.
Singapore - được biết đến là quốc gia trung tâm du lịch và là điểm trung chuyển của khu vực và thế giới - đã chịu tác động mạnh khi hoạt động đi lại trên toàn cầu bị gián đoạn do đại dịch COVID-19.
Singapore đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 từ ngày 30/12/2020, với 2 loại vaccine đã được cấp phép sử dụng là Pfizer/BioNTech và Moderna. Singapore cũng đã nhận lô vaccine Sinovac đầu tiên từ Trung Quốc ngày 23/2, nhưng chưa cấp phép sử dụng.
Những người được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Singapore sẽ được cấp “chứng nhận tiêm chủng”, trong đó có thông tin cá nhân, ngày tiêm chủng và loại vaccine được tiêm. Các thông tin này cũng được lưu trữ trên hệ thống dữ liệu tiêm chủng quốc gia, có thể tiếp cận thông qua ứng dụng trên điện thoại.