Theo đó, các biện háp hạn chế đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ, trong đó có các khu chợ truyền thống và các hàng quán ngoài trời, cũng được nới lỏng ngay cả ở những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19. Trung tâm mua sắm và đền thờ ở những vùng ít bị ảnh hưởng cũng được “bật đèn xanh” để mở cửa trở lại, nhưng giới hạn giờ hoạt động và lượng người ra vào. Tuy nhiên, các văn phòng vẫn tiếp tục đóng cửa.
Trước đó một ngày, Tổng thống Joko Widodo tuyên bố lệnh phong tỏa một phần, được áp dụng vào đầu tháng này, sẽ kéo dài đến ngày 2/8 nhưng một số biện pháp sẽ được nới lỏng. Theo đó, các đơn vị kinh doanh như chợ truyền thống, cửa hàng sửa xe và nhà hàng sẽ được phép mở cửa trở lại với một số điều kiện nhất định. Trong khi đó, các trung tâm thương mại được tạo điều kiện hoạt động với 25% công suất ở khu vực không thuộc “vùng đỏ” – vùng có nguy cơ dịch bệnh cao.
Chuyên gia Pandu Riono, Đại học Indonesia, nhận định: “Quyết định này dường như không liên quan đến đại dịch COVID-19 mà liên quan kinh tế”. Ông khuyến nghị người dân duy trì các biện pháp phòng dịch. Trong khi đó, nhà dịch tễ học Dicky Budiman thuộc Đại học Griffith (Australia) phân tích: “Vấn đề là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 với tình hình chính trị, kinh tế-xã hội, y tế Indonesia hồi năm ngoái không lớn bằng hiện nay do sự xuất hiện của biến thể Delta”. Biến thể Delta đã đẩy số ca mắc mới của quốc gia Đông Nam Á tăng cao, với hơn 56.000 ca mắc mới COVID-19 theo ngày được ghi nhận vào giữa tháng 7. Có tới hơn 50% người lao động Indonesia làm việc trong các ngành kinh tế phi chính thức và nhận được hỗ trợ tài chính hạn chế.
Cùng ngày, Tư lệnh Quân đội Indonesia (TNI), Nguyên soái Hadi Tjahjanto cho biết lực lượng này đã triển khai 63.000 binh sĩ tham gia truy vết những người tiếp xúc gần với các bệnh nhân COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu họp báo, Nguyên soái Hadi cho hay việc huy động số binh sĩ nói trên là một nỗ lực của TNI nhằm giúp chính phủ tăng tốc truy vết COVID-19 để có thể nhanh chóng khống chế dịch bệnh lây lan. Theo ông, TNI sẽ sử dụng phương pháp thủ công và công nghệ để truy vết COVID-19. Các binh sĩ tham gia chiến dịch này sẽ nhận thông báo từ các cơ quan y tế địa phương, trước khi tiến hành liên lạc và phỏng vấn người dân thông qua ứng dụng tin nhắn Whatsapp hoặc điện thoại. Tuy nhiên, nếu phương pháp kỹ thuật số này không thể thực hiện được, đội truy vết sẽ phối hợp với ban quản trị làng và các nhân viên an ninh trật tự địa phương ngay lập tức đến nhà của các đối tượng được cho là tiếp xúc gần với các bệnh nhân mắc COVID-19 để điều tra trước khi báo cáo lại cho các cơ quan y tế cấp làng, quận, huyện, thành phố, tỉnh và trung ương.
Các binh sĩ tham gia truy vết đã tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện trực tuyến và tìm hiểu cách thức hoạt động của ứng dụng Silacak do Bộ Y tế Indonesia quản lý. Ngoài các binh sĩ, Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia (BNPB) cũng huy động thêm 7.000 nhân viên truy vết. Tư lệnh TNI nhấn mạnh rằng việc triển khai hàng chục nghìn nhân viên truy vết nói trên là một phần của việc áp dụng khái niệm “chiến tranh toàn cầu chống lại đại dịch COVID-19”, đồng thời tin tưởng rằng nỗ lực tập thể này sẽ giúp hạn chế các ca mắc COVID-19 ở mức thấp nhất.
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, tới nay, Indonesia đã ghi nhận hơn 3,1 triệu ca mắc COVID-19 và 83.000 ca tử vong. Trong khi đó, tốc độ tiêm chủng của nước này vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu tiêm 1 triệu liều vaccine/ngày trong tháng 7 do chính phủ đề ra. Hiện mới chỉ có khoảng 6% dân số Indonesia đã được tiêm đủ liều vaccine. Ngày 26/7, Bộ trưởng Y tế nước này, ông Budi Gunadi Sadikin cho biết nước này dự kiến sẽ tiếp nhận 45 triệu liều vaccine trong tháng 8 tới, bao gồm vaccine của các hãng Sinovac, Moderna và Pfizer/BioNTech.