Báo Jakarta Post cho biết thành phố Nusantara được xây dựng trên vùng đất giàu than bùn và người dân địa phương từ lâu đã gặp vấn đề về nước sạch sinh hoạt. Trước khi khu vực này nằm trong dự án thủ đô mới, người dân địa phương đã gặp khó khăn trong việc có được nước an toàn để sử dụng cho sinh hoạt và ăn uống. Vào mùa khô, dòng chảy của sông Sepaku bị thu hẹp, thậm chí cạn kiệt. Do nằm trong vùng than bùn, nước ngầm ở Nusantara có xu hướng chứa sắt và sunfua. Sự kết hợp của hai chất này khiến cho nước không thể sử dụng cho sinh hoạt của người dân.
Trong một thời gian dài, người dân địa phương đã phải mua nước sạch từ các công ty nước uống trong khu vực và các nhà buôn nước. Ước tính dân số Nusantara sẽ đạt 488.000 người vào năm 2024 và khoảng 1,9 triệu người vào năm 2045. Như vậy, nhu cầu về nước sạch sẽ tiếp tục tăng lên.
Đáng lo ngại hơn, nguy cơ lũ lụt đang gia tăng ở khu vực này, đặc biệt là với các công trình xây dựng rất lớn đang diễn ra. Báo này dẫn chứng vụ việc hồi cuối tháng 6, làng Sepaku, nằm trên tuyến đường chính dẫn vào trung tâm thành phố, đã bị ảnh hưởng bởi trận lũ lụt tồi tệ nhất trong 10 năm qua, gây thiệt hại khá nặng nề và cả vùng lưu vực cũng bị ảnh hưởng.
Vấn đề nước sạch và mối đe dọa lũ lụt ở khu vực Nusantara có liên quan chặt chẽ đến cách quản lý lưu vực sông Riko Manggar (DAS) rộng 220.800 ha. Có 33 công ty nhượng quyền hoạt động trong DAS, bao gồm các công ty khai thác mỏ, đồn điền dầu cọ và đồn điền cây công nghiệp, với tổng diện tích 110.300 ha.
Forest Watch Indonesia (FWI), một hiệp hội mạng lưới giám sát rừng độc lập, cho biết từ 2018 - 2022, khu vực này đã bị mất gần 50.000 ha rừng tự nhiên. Tình trạng phá rừng gia tăng đột biến để nhường chỗ cho các công trình thủ đô mới. Không chỉ lũ lụt đang xảy ra thường xuyên hơn, thiệt hại đối với lưu vực sông khiến người dân khó có được nước sạch cho sinh hoạt.
Chính phủ đã hoàn thành việc xây dựng đập Sepaku Semoi, một trong 4 đập được quy hoạch để đáp ứng nhu cầu nước của người dân Nusantara trong tương lai. Tuy nhiên, con sông mà đập này được xây dựng là khá nhỏ và dòng chảy không liên tục, không ổn định, thường khô cạn vào mùa khô. Những ảnh hưởng ở khu vực thượng nguồn lưu vực sông Riko Manggar cũng khiến nước sông trở nên không an toàn để sử dụng cho nhu cầu hằng ngày. Như vậy, mức độ đáp ứng nhu cầu nước sạch của khu vực sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc trữ nước mưa và các nguồn nước khác bên ngoài khu vực. Điều này sẽ khiến nước sạch trở thành mặt hàng ngày càng đắt đỏ.
Theo các chuyên gia, cách tốt nhất để đáp ứng nhu cầu về nước sạch, đồng thời giảm nguy cơ lũ lụt ở khu vực Nusantara là tổ chức lại lưu vực Riko Manggar, khôi phục chức năng của rừng như một phương tiện bảo tồn đất và nước. Cần đảm bảo rằng ít nhất 30% của mỗi lưu vực được bao phủ bởi rừng và những khu rừng này là bền vững. Việc tái tạo rừng cũng được đề xuất và cần thực hiện khẩn trương ở tất cả những khu vực rừng bị suy thoái, đặc biệt là các khu vực thượng nguồn của các con sông chảy vào Nusantara. Hoạt động của các ngành công nghiệp ở thượng nguồn cần được giám sát và điều chỉnh. Điều quan trọng là phải duy trì tính bền vững của khu vực thượng nguồn để có thể đáp ứng nhu cầu về nước sạch và ngăn ngừa lũ lụt ở thủ đô.