Theo Văn phòng Đại diện thương mại và Bộ Thương mại Mỹ, trong vòng đàm phán về thương mại kéo dài 6 ngày này, các bên tham gia đã chia sẻ kỳ vọng về việc tạo ra một thỏa thuận tiêu chuẩn cao có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm trên khắp khu vực. Thông báo nêu rõ các quan chức Mỹ đã thảo luận với các nước tham gia đàm phán về các nội dung liên quan đến thương mại, chuỗi cung ứng, nỗ lực chống tham nhũng và năng lượng sạch. Dự kiến các cuộc đàm phán trực tiếp tiếp theo sẽ diễn ra vào năm 2023, tuy nhiên phía Mỹ chưa công bố thời gian cụ thể.
Tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố IPEF với mục tiêu nâng cao các tiêu chuẩn về môi trường, lao động và những tiêu chuẩn khác trên khắp châu Á. Tham gia đàm phán IPEF có nhiều nước, trong đó có Mỹ, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của những nước tham gia đàm phán về IPEF chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu.
Trong cuộc họp trực tiếp cấp bộ trưởng đầu tiên ở Los Angeles (Mỹ) vào tháng 9 vừa qua, các nước đã nhất trí khởi động các vòng đàm phán chính thức. IPEF là một phần trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden nhằm tăng cường sự hiện diện kinh tế của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang phát triển mạnh mẽ sau khi người tiền nhiệm Donald Trump rút Mỹ khỏi một thỏa thuận thương mại khu vực - hiện gọi là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Thay vì bàn về việc cắt giảm thuế như các hiệp định thương mại tự do truyền thống, các cuộc đàm phán về IPEF dự kiến sẽ thảo luận các cam kết trong các lĩnh vực như tạo thuận lợi cho thương mại, hướng tới sự cải thiện thông qua việc đơn giản hóa các thủ tục hải quan và các biện pháp khác. Ngoài vấn đề thương mại, các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào 3 trụ cột khác gồm: sự phục hồi của chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch, thuế và chống tham nhũng.
Canada đang đề nghị được tham gia đàm phán IPEF và đây cũng là một chủ đề thảo luận trong vòng đàm phán thứ nhất.