“Các công ty nước ngoài muốn cung cấp vaccine cho chúng tôi để chúng được thử nghiệm trên người dân Iran. Nhưng Bộ Y tế đã ngăn chặn điều đó. Người dân của chúng tôi sẽ không phải là thiết bị thử nghiệm cho các công ty sản xuất vaccine. Chúng tôi sẽ mua vaccine an toàn của nước ngoài”, ông Rouhani tuyên bố trong một bài phát biểu trên truyền hình, song không nêu tên các công ty hoặc cho biết thêm chi tiết.
Trước đó, hôm 8/1, Đại giáo chủ Ali Khamenei, vị lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran, đã cấm nhập khẩu vaccine COVID-19 từ Mỹ và Anh. Ông cáo buộc Mỹ và Anh đều là những quốc gia "không đáng tin cậy" và có thể đang tìm cách lây lan virus SARS-CoV-2 cho các nước khác. Ông nói thêm rằng Iran có thể mua vaccine từ những quốc gia đáng tin cậy khác nhưng không nói rõ nguồn cung vaccine từ đâu.
"Việc nhập khẩu vaccine COVID-19 sản xuất tại Anh và Mỹ đều bị cấm. Không loại trừ khả năng họ muốn làm các quốc gia khác nhiễm bệnh. Theo kinh nghiệm về nguồn cung máu bị nhiễm HIV từ Pháp, vaccine của nước này cũng không đáng tin cậy", lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei đăng trên Twitter ngày 8/1. Bài đăng này đã bị xóa với cáo buộc vi phạm các quy tắc của nền tảng về thông tin sai lệch.
Theo hãng tin Reuters (Anh), động thái này được đưa ra trong bối cảnh Iran đã ghi nhận gần 1,3 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và trên 56.000 ca tử vong, trở thành quốc gia Trung Đông bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19, theo thống kê của trang Worldometers.info.
Vào cuối tháng 12/2020, Iran đã bắt đầu giai đoạn đầu tiên trong quá trình tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 trên người sau khi thực hiện thành công các giai đoạn ban đầu, bao gồm các thử nghiệm trên động vật và nhận được các phê duyệt cần thiết. Iran cho biết loại vaccine này có thể giúp họ đánh bại đại dịch COVID-19, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ ảnh hưởng đến khả năng nhập khẩu vaccine.
Iran trước đó đã cáo buộc Mỹ cản trở nước này tiếp cận vaccine bằng loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn. Dù thực phẩm và thuốc được miễn trừ trong các lệnh trừng phạt này, nhưng các ngân hàng quốc tế có xu hướng từ chối những giao dịch liên quan đến Iran.
Căng thẳng giữa Washington và Tehran đã leo thang kể từ năm 2018, khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt lên nước Cộng hoà hồi giáo này.