Theo đó, lệnh cấm "đào" tiền điện tử sẽ có hiệu lực ngay lập tức, cho đến ngày 22/9. Ông Rouhani cho biết thêm rằng 85% hoạt động "đào" tiền điện tử hiện nay ở Iran là không được cấp phép.
Bitcoin và các loại tiền điện tử khác chính là "phần thưởng" mà các thợ mỏ có được sau quá trình "đào" bằng các máy đào chuyên dụng giải quyết các vấn đề tính toán cho phép liên kết các khối giao dịch (blockchain). Quá trình này tiêu tốn nhiều điện năng được tổng hợp từ nhiên liệu hóa thạch mà Iran vốn là nước sở hữu nguồn nhiên liệu này hết sức dồi dào.
Tình trạng mất điện khiến chính phủ vấp phải chỉ trích trong bối cảnh bầu cử tổng thống Iran sẽ diễn ra vào tháng tới. Theo Chính phủ Iran, tình trạng mất điện này là do các hoạt động khai thác tiền điện tử, hạn hán và nhu cầu điện tăng cao vào mùa Hè.
Theo công ty phân tích blockchain Elliptic, hoạt động "đào" Bitcoin ở Iran chiếm khoảng 4,5% tổng số hoạt động trên thế giới, qua đó giúp Iran kiếm được hàng trăm triệu USD để giảm bớt sức ép từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trên thực tế, Iran đã chấp nhận hoạt động khai thác tiền điện tử trong những năm gần đây, trong đó yêu cầu các "thợ mỏ" bán tiền điện tử cho ngân hàng trung ương để được ưu đãi về giá điện. Đề xuất này đã trở thành điểm thu hút các "thợ mỏ", đặc biệt các "thợ mỏ" từ Trung Quốc tới Iran. Lượng điện mà các "thợ mỏ" sử dụng để khai thác tiền điện tử tại Iran được cho là tương đương khoảng 10 triệu thùng dầu thô/năm, khoảng 4% lượng dầu thô mà Iran xuất khẩu trong năm 2020.