Theo hãng thông tấn IRNA của Iran, trong chuyến thăm tới Cơ quan Năng lượng nguyên tử của nước này, Phó Tổng thống Aref nêu rõ Iran tiếp tục ưu tiên nỗ lực đàm phán mang tính xây dựng nhằm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế, đồng thời duy trì hoạt động hạt nhân vì mục đích dân sự. Ông khẳng định Iran sẵn sàng tham gia trở lại thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015 nếu các bên liên quan cũng tuân thủ các cam kết của mình. Ông đồng thời nhấn mạnh sự minh bạch của Iran trong các hoạt động hạt nhân nhằm đảm bảo việc sử dụng công nghệ và vật liệu hạt nhân phục vụ mục đích dân sự.
Cũng trong phát biểu của mình, Phó Tổng thống Aref đã chỉ trích việc phương Tây đe dọa kích hoạt điều khoản snapback (đảo ngược) nhằm tái áp đặt các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Iran. Quan chức này cảnh báo việc kích hoạt cơ chế này sẽ đánh dấu sự chấm dứt của JCPOA.
Cùng ngày, nhóm E3 (gồm Đức, Anh và Pháp) đã ra tuyên bố chung bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về việc Iran đẩy nhanh tốc độ làm giàu uranium, đồng thời cảnh báo bước điều này làm suy yếu nghiêm trọng JCPOA. Các nước thuộc E3 kêu gọi Tehran đảo ngược các bước đi này và ngừng càng hành động làm gia tăng căng thẳng trong vấn đề hạt nhân.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi bày tỏ quan ngại Iran có kế hoạch tăng cả sản lượng và mức độ tinh khiết uranium làm giàu sát mức sản xuất vũ khí. Một báo cáo mật của IAEA về chương trình hạt nhân của Iran đã tiết lộ nhà máy hạt nhân Fordo với bản thiết kế cập nhật mới nhất cho phép Tehran nâng khả năng làm giàu uranium tinh khiết lên tới 60%. Báo cáo cho biết thêm với thiết kế mới được công bố, sản lượng làm giàu uranium của nhà máy hạt nhân Fordo sẽ tăng vọt từ mức 4,7 kg lên hơn 34 kg/tháng.
Thông tin báo cáo được tiết lộ chỉ một tuần sau khi các quan chức châu Âu và Iran nhất trí sẽ tổ chức một cuộc họp tại Geneva trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025. Năm 2018, chính ông Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận JCPOA do Iran ký với Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức tháng 7/2015 và tái áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt Iran. Tehran sau đó đã thu hẹp việc thực hiện cam kết trong thỏa thuận này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ tan vỡ của thỏa thuận. Từ đó đến nay, các nước tham gia còn lại đã nỗ lực thúc đẩy nhiều vòng đàm phán để cứu vãn thỏa thuận, song chưa đạt được kết quả.