Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Tehran. Ảnh: THX/TTXVN |
Ngày 10/1, phát biểu với các nghị sỹ, Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani tuyên bố thực tế các quy định mới của Mỹ gây nhiều phiền toái và nếu các nhà lập pháp Mỹ không có các điều chỉnh, sửa đổi cần thiết, Tehran sẽ có các biện pháp trả đũa tương ứng.
Tuyên bố trên của Chủ tịch Quốc hội Iran được đưa ra sau khi trung tuần tháng 12 năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã thông qua những quy định an ninh đối với chương trình miễn thị thực, theo đó công dân của nước (chủ yếu là các nước châu Âu) từng tới Iran, Iraq, Syria và Sudan hoặc quốc gia mà Washington liệt vào danh sách khủng bố trong vòng 5 năm trở lại đây phải có thị thực mới được phép nhập cảnh vào Mỹ. Quy định mới cũng áp dụng với những người mang hai quốc tịch gồm quốc tịch của nước trên cùng với quốc tịch của một trong 4 nước Iran, Iraq, Syria và Sudan. Trước đó, công dân của nước này được miễn thị thực vào Mỹ.
Phản ứng với thông báo này, Chủ tịch Ủy ban Chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Quốc hội Iran, ông Alaedin Boroujerdi, đã gửi thư cho các đối tác trong Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và Nga kêu gọi các nước phản đối quy định mới về thị thực của Mỹ. Tehran tuyên bố những thay đổi trong chương trình miễn thị thực nhập cảnh của Washington là trái ngược với thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran với các cường quốc thuộc Nhóm P5+1 (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức).
Trong thư gửi những người đồng cấp EU, Pháp, Anh, Đức, Nga và Trung Quốc, ông Boroujerdi mô tả quy định mới của Mỹ là “bất công và phân biệt đối xử”, đồng thời kêu gọi các nước này “nỗ lực hết sức” để phản đối chính sách thị thực mới của Mỹ.
Giới nghị sỹ Pháp đã chỉ trích các quy định mới của Mỹ, cho rằng những thay đổi này đã gửi đi “tín hiệu sai” và hủy hoại những nỗ lực nhằm xây dựng lòng tin với Iran.
Theo thỏa thuận hạt nhân đạt được hồi tháng 7/2015, các cường quốc thế giới trong đó có Mỹ cam kết kiềm chế, không ban hành các chính sách ảnh hưởng tiêu cực đến việc bình thường hóa quan hệ kinh tế, thương mại với Iran.