Tờ Washington Post (Mỹ) cho biết vào ngày 13/1, công ty điện nhà nước Iran Tanavir tuyên bố đã đóng cửa trung tâm tiền kỹ thuật số tại tỉnh Kerman bởi cơ sở này tiêu thụ quá nhiều năng lượng. Việc khai thác tiền kỹ thuật số thường phụ thuộc vào các máy tính tiêu thụ năng lượng cao để xử lý các thuật toán phức tạp.
Đại diện của Bộ Năng lượng Iran cũng đề cập rằng nhiều cơ sở “đào Bitcoin” trái phép cũng là tác nhân dẫn đến tình trạng tiêu thụ năng lượng. Cùng ngày 13/1, người phát ngôn của Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết chính phủ sẽ điều tra các vụ việc liên quan đến cơ sở khai thác tiền kỹ thuật số trái phép.
Tehran cũng đánh giá rằng giá điện thấp, do chính phủ trợ cấp, là một nguyên nhân khác dẫn đến mất điện diện rộng. Tình trạng mất diện dẫn đến việc nhiều người dân lựa chọn nhiên liệu giá rẻ để vận hành máy nổ khiến tình trạng ô nhiễm tại thủ đô Tehran tăng.
Kể từ năm 2018, Bộ Tài chính Mỹ đã trừng phạt một số công dân Iran vì vi phạm lệnh trừng phạt do sử dụng tiền kỹ thuật số.
Tổng thống đắc cử Joe Biden cam kết loại bỏ một số lệnh trừng phạt kinh tế và đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân đạt được với Iran năm 2015 còn được biết đến là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), nếu ông và người đồng cấp Iran có để thống nhất được một số điều khoản.
Năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA. Nòng cốt của thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc trong Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) là Tehran hạn chế phát triển vũ khí hạt nhân đổi lại việc được nới lỏng các lệnh trừng phạt áp đặt vào quốc gia Trung Đông này.