Ông Ali Larijani phát biểu sau khi được bầu làm Chủ tịch Quốc hội lâm thời Iran tại Tehran ngày 29/5. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, phát biểu tại một hội nghị ở thành phố Qom của ngày 24/7, ông Larijani nêu rõ "Saudi Arabia và một số quốc gia phương Tây đang tạo ra các rào cản để Iran không thể tận dụng các điều kiện hậu thỏa thuận hạt nhân lịch sử", đồng thời cho rằng những việc mà Saudi Arabia đang thực hiện trong khu vực là "công khai thù địch" nhằm chống lại Iran.
Lời cáo buộc của Chủ tịch Quốc hội Iran được đưa ra sau khi trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin EuroNews mới đây, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir đã tố cáo Tehran về các hành động thù địch. Theo ông Jubeir, Iran đang có các hoạt động "không thể chấp nhận được" tại Liban, Syria và Iraq, cũng như gửi quân tới hỗ trợ lực lượng Houthi ở Yemen. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qassemi đã ngay lập tức bác bỏ cáo buộc của ông Jubeir, khẳng định rằng đây là những phát ngôn vô lý.
Trong một diễn biến liên quan, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran, ông Ali Akbar Salehi mới đây cho biết quốc gia Trung Đông này đã lên kế hoạch nhằm khôi phục các hoạt động hạt nhân nếu phương Tây không thực hiện cam kết theo thỏa thuận hạt nhân đạt được hồi tháng 7/2015. Kênh truyền hình nhà nước IRIB của Iran ngày 23/7 dẫn lời ông Salehi tuyên bố rằng Iran đã tính đến các bước chuẩn bị cần thiết để có thể khôi phục các hoạt động hạt nhân như trước kia, trong trường hợp Mỹ và các nước phương Tây vi phạm thỏa thuận hạt nhân - còn được biết đến dưới tên gọi "Kế hoạch hành động chung toàn diện" (JCPOA).
Theo thảo thuận hạt nhân mà Iran đạt được với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc cùng với Đức), Tehran nhất trí cắt giảm mạnh các hoạt động hạt nhân. Đổi lại, các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Iran sẽ được nới lỏng và thỏa thuận này đã chính thức có hiệu lực từ giữa tháng 1/2016. Tuy nhiên, Mỹ tới nay vẫn duy trì một số hạn chế liên quan đến lĩnh vực tài chính và hoạt động giao dịch bằng đồng USD của Iran. Trong khi đó, Quốc hội Mỹ vẫn có thể bác thỏa thuận quốc tế này.