Trong một động thái được nhìn nhận là nhằm xoa dịu những quan ngại của phương Tây, ngày 6/2, Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi cho biết nước này có thể thay đổi kết cấu của lò phản ứng nước nặng Arak.Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình nhà nước Iran Press TV, ông Salehi cho biết lò phản ứng nước nặng Arak có thể được điều chỉnh để sản sinh lượng plutoni thấp hơn.
Ông tuyên bố lò phản ứng Arak sẽ được sử dụng vào mục đích nghiêm cứu, sản xuất các chất đồng vị phóng xạ và thực hiện các thí nghiệm khác, đồng thời chỉ sản xuất khoảng 9 kg plutoni, không đạt tới cấp độ để chế tạo vũ khí. Theo Giám đốc Salehi, bằng cách này, Iran có thể trấn an được những quan ngại của phương Tây về sự tồn tại của lò phản ứng nước nặng Arak.
Toàn cảnh nhà máy hạt nhân nước nặng Arak ngày 15/1/2011. Ảnh: AFP/TTXVN |
Được hỏi về lý do Iran sẽ không từ bỏ lò phản ứng Arak, ông Salehi nhấn mạnh đây là một thành tựu công nghệ lớn của Tehran và "không có lý do gì" để chấm dứt chương trình nghiên cứu khoa học - kỹ thuật này. Ngoài ra, Iran cũng chưa thể đưa lò phản ứng Arak đi vào hoạt động trong vòng ít nhất 3 năm tới.
Phương Tây từ lâu lo ngại lò phản ứng Arak có thể cung cấp plutoni, một trong hai loại nhiên liệu có thể sử dụng cho lõi của vũ khí nguyên tử. Arak là cơ sở hạt nhân gây nhiều quan ngại cho phương Tây vì về mặt lý thuyết tại đây, Tehran có thể chiết xuất plutoni cấp độ vũ khí từ các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng. IAEA thường xuyên tiến hành kiểm tra hoạt động tại lò phản ứng Arak, song cơ quan này cho biết từ năm 2006, họ không nhận được các chi tiết thiết kế mới của Arak và từ tháng 8/2011, các thanh sát viên của IAEA không được tới kiểm tra lò phản ứng nước nặng này.
Tương lai của cơ sở Arak được cho là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất cần được giải quyết trong các cuộc đàm phán dự kiến bắt đầu vào ngày 18/2 tới, nhằm tiến đến một thoả thuận hạt nhân lâu dài với Iran. Iran và phương Tây đã đạt thoả thuận tạm thời hồi tháng 11 năm ngoái, theo đó Tehran chấp thuận đình chỉ một phần chương trình hạt nhân của nước này trong 6 tháng để đổi lấy việc nới lỏng trừng phạt, đồng thời cam kết không cải tiến các cơ sở hạt nhân Arak, Fordo và Natanz.
TTXVN/Tin tức