Trước đó ngày 5/10, một phát ngôn viên của quân đội Israel tuyên bố Israel sẽ trả đũa vụ tấn công tên lửa hôm 1/10 của Tehran vào thời điểm thích hợp. Trang tin Axios của Mỹ dẫn lời các quan chức Israel cho biết các cơ sở dầu mỏ của Iran có thể bị tấn công.
Iran là thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), với sản lượng khoảng 3,2 triệu thùng/ngày, tương đương 3% tổng sản lượng dầu toàn cầu. Xuất khẩu dầu của Iran trong năm nay đã tăng mạnh lên gần mức cao nhất trong nhiều năm là 1,7 triệu thùng/ngày, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ. Phần lớn nguồn tài nguyên dầu khí của Iran đều nằm ở phía Nam đất nước, nơi có cảng dầu trên đảo Kharg. Khoảng 90% lượng dầu xuất khẩu của Iran được vận chuyển từ cảng này. Cảng dầu Kharg có công suất chứa tới 23 triệu thùng dầu thô.
Theo trang tin Shana của Bộ Dầu mỏ Iran, ông Paknejad đã đến thăm các cơ sở dầu mỏ và gặp gỡ các nhân viên điều hành trên đảo Kharg. Tại đây, Bộ trưởng Dầu mỏ Paknejad đã có cuộc làm việc với Tư lệnh Hải quân thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Mohammad Hossein Bargahi để kiểm tra các vấn đề an ninh tại các giàn khoan khí đốt thuộc mỏ South Pars cũng như đánh giá các hoạt động của Vùng 4 Hải quân thuộc IRGC. Ông Paknejad nhấn mạnh lực lượng hải quân của IRGC đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh cho các cơ sở dầu khí của Iran.
Trung Quốc, quốc gia không công nhận các lệnh trừng phạt của Mỹ, là khách hàng mua dầu lớn nhất của Iran. Theo đánh giá của giới phân tích, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,2-1,4 triệu thùng/ngày từ Iran trong nửa đầu năm 2024.