Bộ trưởng Dầu khí Iran Bijan Zanganeh tại cuộc họp báo ở thủ đô Tehran ngày 8/11. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hãng thông tấn Shana dẫn lời Bộ trưởng Zanganeh nêu rõ: "Total có 60 ngày để đàm phán với Chính phủ Mỹ. Chính phủ Pháp cũng có thể thương lượng với Chính phủ Mỹ trong thời hạn này để Total có thể ở lại Iran".
Hiện Total là công ty phương Tây duy nhất ký một thỏa thuận đầu tư trong lĩnh vực năng lượng của Iran sau khi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) có hiệu lực. Total ký thỏa thuận hồi tháng 7 năm ngoái, trở thành đối tác hàng đầu trong dự án trị giá 4,8 tỷ USD nhằm phát triển mỏ khí đốt South Pars 11, cùng với các đối tác khác là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) và tập đoàn dầu khí quốc gia Iran Petropars. Tuy nhiên, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận từ đầu tháng 5/2018 và cảnh báo tái áp đặt toàn bộ các trừng phạt vào tháng 11 tới, Total cho biết sẽ khó có thể tiếp tục làm ăn tại Iran nếu không nhận được quyền miễn trừ đặc biệt từ Washington.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran nhấn mạnh nếu tập đoàn của Pháp không giành được quyền này, CNPC "sẽ thay thế Total trong dự án trên". Tuy nhiên, Bộ trưởng Zanganeh không giải thích tại sao Total chỉ có 60 ngày, trong khi các trừng phạt của Mỹ đối với các công ty năng lượng nước ngoài làm ăn tại Iran sẽ chưa được kích hoạt trước ngày 4/11 tới.
Trước khi Washington rút khỏi JCPOA, Iran đã tìm cách thu hút đầu tư vào lĩnh vực dầu khí. Thỏa thuận duy nhất ngoài văn bản ký với Total và CNPC là một hợp đồng trị giá 742 triệu USD ký với công ty nhà nước Nga Zarubezhneft nhằm tăng cường khai thác tại 2 mỏ dầu ở tỉnh Ilam (miền Tây).