Phát biểu với hãng thông tấn nhà nước IRNA, Chủ tịch Phòng Thương mại Iran - Hàn Quốc Hossein Tanhayi cho biết hai bên đã thúc đẩy cơ chế đổi dầu mỏ xuất khẩu của Iran lấy hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc. Tuy không nêu rõ cách thức hoạt động của cơ chế này, nhưng ông Tanhayi cho biết với cơ chế mới, các bên có thể sẽ mở một quỹ chung tại ngân hàng trung ương của mỗi nước.
Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Iran sau Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Là một đồng minh chính trị thân cận cũa Mỹ, trong 6 tháng đầu năm 2018, Hàn Quốc đã giảm kim ngạch nhập khẩu dầu mỏ Iran từ mức xấp xỉ 285.000 thùng/ngày xuống còn 0 thùng/ngày. Kim ngạch trao đổi thương mại song phương cũng giảm từ mức 12 tỷ USD năm 2017 xuống còn 5,7 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2018.
Hồi tháng trước, Mỹ đơn phương tái áp đặt các biện pháp nhằm hạn chế hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Tehran sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5 vừa qua. Các biện pháp mới của Mỹ cũng nhắm tới lĩnh vực ngân hàng của Iran và khả năng đưa đồng USD vào thị trường nước này nhưng không nhắm tới các hoạt động trao đổi hàng hóa.
Cơ chế đổi dầu lấy hàng cũng là một biện pháp mà Liên minh châu Âu (EU) xây dựng trong hệ thống "Phương tiện đặc biệt" để duy trì trao đổi thương mại với Iran mà vẫn tránh được các biện pháp trừng phạt của Mỹ với mục tiêu cứu vãn thỏa thuận hạt nhân đang đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Theo thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ký giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015, các lệnh trừng phạt Iran được dỡ bỏ đổi lấy việc Tehran hạn chế chương trình hạt nhân.
Tuy nhiên, ngày 7/8 vừa qua, Mỹ đã áp đặt trở lại một loạt biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Iran, sau khi Tổng thống Donald Trump hồi tháng 5 tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận này, cho đây là "một thỏa thuận phiến diện, không đáp ứng mục đích căn bản ngăn chặn Iran phát triển bom nguyên tử".
Các động thái này của Mỹ đã khiến nền kinh tế Iran trì trệ, đồng rial của Iran đã mất một nửa giá trị. Một loạt công ty quốc tế, trong đó có các tập đoàn Total, Peugeot và Renault của Pháp, cũng như tập đoàn Siemens và Daimler của Đức đã ngừng hoạt động tại Iran.