Truyền hình nhà nước Iran dẫn lời Tham mưu trưởng các Lực lượng vũ trang Iran, Thiếu tướng Mohammad Bagheri cho biết một ủy ban mới thành lập đã được giao nhiệm vụ giám sát các cửa hàng và đường phố trong khung thời gian trên. Thiếu tướng Bagheri nói rằng trong 10 ngày tới, tất cả người dân Iran sẽ được kiểm tra tình trạng sức khỏe thông qua mạng Internet, điện thoại hoặc nếu cần sẽ gặp trực tiếp nhà chức trách, theo đó các trường hợp bệnh nghi ngờ sẽ được xác định đầy đủ.
Iran là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nhất của đại dịch COVID-19 ngoài Trung Quốc. Cùng ngày 13/3, nước này thông báo đã ghi nhận tổng cộng 514 ca tử vong và 11.364 ca mắc bệnh.
Cũng trong nỗ lực dập dịch COVID-19, Bộ trưởng Y tế Iraq Jaafar Allawi thông báo nước này đã cấm nhập cảnh đối với những người đến từ hai nước Đức và Qatar, nâng tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc diện cấm nhập cảnh của Iraq lên con số 13. Lệnh cấm này không áp dụng đối với các công dân Iraq và những nhà ngoại giao nước ngoài. Bên cạnh đó, Iraq cũng cấm các chuyến bay nội địa giữa các tỉnh từ ngày 15 - 25/3 tới, ngoại trừ các trường hợp khẩn cấp. Các hoạt động tôn giáo quan trọng trong tháng Rajab của Hồi giáo (từ ngày 25/2 – 24/3) cũng bị cấm tổ chức.
Tương tự, nhà chức trách Israel cùng ngày 13/3 thông báo hủy tất cả các sự kiện thể thao sắp tới được tổ chức tại nước này để phòng dịch bệnh lây lan.
Trong bối cảnh dịch bệnh đang lan rộng ở châu Âu, ngày 13/3, Chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã đưa ra cảnh báo đỏ về du lịch đối với 26 nước thuộc khu vực miễn thị thực Schengen ở châu Âu.
Các cảnh báo du lịch đỏ đối với nước ngoài nhắc nhở người dân có kế hoạch đến các quốc gia trên nên điều chỉnh hành trình, nếu không cần thiết thì nên tránh đến những nước này. Bên cạnh đó, chính quyền cũng khuyến cáo người dân nên cân nhắc hoãn tất cả các kế hoạch du lịch nước ngoài không cần thiết.
Năm 2014, Hong Kong đã đưa ra cảnh báo du lịch đỏ với Ai Cập vì lý do an ninh. Nhưng do thời gian gần đây số ca mắc COVID-19 ở Ai Cập tiếp tục tăng nhanh, lệnh cảnh báo du lịch đỏ đối với Ai Cập vẫn có hiệu lực.
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, tối 13/3, tân Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã có bài phát biểu trên truyền hình nói rằng trước diễn biến của dịch COVID-19, Chính phủ Malaysia quyết định hoãn tất cả các hoạt động tụ tập đông người, bao gồm cả hội nghị quốc tế, sự kiện thể thao, xã hội và tôn giáo tới ngày 30/4/2020.
Tuy nhiên, Thủ tướng Muhyiddin không đề cập tới việc có hoãn buổi cầu nguyện vào thứ Sáu hằng tuần hay không. Thay vào đó, ông Muhyiddin nói rằng những người tới cầu nguyện tại các nhà thờ Hồi giáo nên tuân theo các hướng dẫn do Bộ trưởng Văn phòng chính phủ phụ trách vấn đề Hồi giáo Zulkifli Mohamad Al-Bakri ban hành. Ông Muhyiddin khuyến khích cơ quan phụ trách vấn đề Hồi giáo các bang nên ban hành hướng dẫn tương tự. Nếu các tôn giáo khác có kế hoạch tổ chức hoạt động đông người cần tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trong ngày 13/3, Malaysia có thêm 39 ca mới mắc COVID-19, đưa tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 197 người. Dự kiến con số này chưa dừng lại vì cơ quan chức năng Malaysia vừa phát hiện có tới 14.500 người dân nước này đã tham gia một sự kiện tôn giáo ở Kuala Lumpur từ ngày 28/2-1/3. Sau đó, phía Brunei cho biết nước này đã xác nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên là một nam giới 53 tuổi, đã đến Kuala Lumpur để tham dự sự kiện tôn giáo nói trên.
Cùng ngày, Hội đồng Nhà thờ Hồi giáo Indonesia (DMI) phát động chiến dịch khử trùng các nhà thờ, trong đó giai đoạn một nhắm tới 10.000 nhà thờ trên khắp thủ đô Jakarta nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch DMI, cựu Phó Tổng thống Jusuf Kalla nhấn mạnh chiến dịch vệ sinh trên được thực hiện nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch COVID-19 trong các nhà thờ vốn là địa điểm tập trung đông người tại quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới này.
Ông Kalla kêu gọi các tăng hội thuộc DMI tại tất cả các khu vực huy động những người quản lý nhà thờ Hồi giáo và triển khai thực hiện phong trào làm sạch nhà thờ bằng chất khử trùng vào mỗi thứ Sáu hàng tuần. Ông khẳng định việc khử trùng các nhà thờ là “điều bắt buộc” và vấn đề “vệ sinh là một phần của đức tin”, đồng thời cho biết DMI sẵn sàng cung cấp chất khử trùng cho tất cả các nhà thờ Hồi giáo tại Jakarta và trên khắp cả nước.
DMI đã chuẩn bị 2 triệu chai dung dịch sát khuẩn carbolfuchsin để khử trùng các nhà thờ Hồi giáo trên khắp cả nước, nhất là các nhà thờ không có khả năng chi trả. Để triển khai chiến dịch này, DMI sẽ thành lập một nhóm các nhà sản xuất chất khử trùng và hàng chục đội phun thuốc.
Tính đến ngày 13/3, số trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Indonesia đã tăng gấp đôi lên 69 trường hợp, trong đó 4 ca tử vong. Dự báo, số ca nhiễm và tử vong do dịch COVID-19 tại quốc gia này sẽ tiếp tục tăng nhanh với việc mở rộng quy mô xét nghiệm trong bối cảnh dịch bệnh đang có dấu hiệu lây lan ra cộng đồng.