Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Tehran, Tổng thống Raisi nêu rõ: “Trong các cuộc đàm phán, việc có được sự bảo đảm là một trong những nội dung cơ bản. Tất cả các vấn đề liên quan phải được giải quyết. Nếu không, nỗ lực đạt được thỏa thuận (hạt nhân Iran) sẽ là vô ích”. Ông cũng tái khẳng định vũ khí hạt nhân "không có chỗ" trong học thuyết quốc phòng của Tehran.
Ông Raisi đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh Iran đang đánh giá phản ứng của Mỹ trước các đề xuất của Tehran về bản thảo “cuối cùng” do Liên minh châu Âu (EU) đưa ra nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran, có tên chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA.
Iran liên tục kêu gọi IAEA chấm dứt các cuộc điều tra trước khi khôi phục thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel ngày 25/8 đã kêu gọi Iran trả lời những câu hỏi của IAEA về 3 địa điểm hạt nhân chưa được Tehran công bố.
Vào tháng 6, Ban giám đốc IAEA đã thông qua một nghị quyết cho rằng Iran không giải thích thỏa đáng về các dấu vết urani làm giàu được phát hiện trước đó tại 3 địa điểm chưa được công bố. Ngày 5/8 vừa qua, Tehran khẳng định rằng các vấn đề xung quanh các địa điểm chưa công bố “mang tính chất chính trị và không nên được sử dụng làm cái cớ để chống lại Iran trong tương lai”.
JCPOA được ký giữa Iran và các nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga) cùng Đức vào tháng 7/2015, theo đó, Tehran hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc các biện pháp trừng phạt quốc tế được nới lỏng. Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận năm 2018 và tái áp đặt trừng phạt kinh tế, khiến Iran cũng giảm các cam kết của nước này trong thỏa thuận. Sau 16 tháng Mỹ và Iran tiến hành đàm phán gián tiếp thông qua các quan chức EU, ngày 8/8, EU đã đưa ra dự thảo văn bản cuối cùng.