Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu trong phiên họp Quốc hội tại thủ đô Tehran ngày 15/8. Ảnh: EPA/TTXVN |
Trong bài phát biểu được phát trực tiếp trên truyền hình, ông Rouhani cho biết thỏa thuận hạt nhân quốc tế, còn gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), sẽ vẫn nguyên vẹn, không thay đổi và không thể đàm phán lại. Ông nêu rõ quyết định của Tổng thống Trump không xác nhận Iran tuân thủ JCPOA sẽ cô lập Mỹ với các bên ký kết vẫn cam kết thực thi thỏa thuận này. Ông cho rằng bài phát biểu của nhà lãnh đạo Mỹ là "những lời xúc phạm và cáo buộc giả mạo nhằm vào Iran", đồng thời nhấn mạnh không một tổng thống nào có thể hủy bỏ một thỏa thuận quốc tế. Tổng thống Rouhani tuyên bố Iran không bao giờ khuất phục trước bất cứ áp lực nước ngoài nào.
Dư luận thế giới đã có những phản ứng khác nhau xung quanh quyết định của Tổng thống Mỹ không xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân.
Trong một tuyên bố chung, lãnh đạo các nước Pháp, Anh và Đức cảnh báo về việc Mỹ thực hiện các hành động có thể gây tổn hại tới thỏa thuận hạt nhân nói trên, ví dụ như áp đặt lại các biện pháp trừng phạt, sau khi ông Trump quyết định không xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận này. Các nhà lãnh đạo 3 nước châu Âu khẳng định họ chia sẻ quan ngại của Washington về chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, đồng thời sẵn sàng phối hợp với Mỹ nhằm giải quyết quan ngại này.
Tại Pháp, Văn phòng Tổng thống Emmanuel Macron cho biết, ông Macron tuyên bố rằng Pháp cam kết thực thi thỏa thuận nói trên. Tổng thống Pháp khẳng định việc Mỹ không xác nhận JCPOA sẽ không khiến thỏa thuận này kết thúc, và Paris cùng các đối tác châu Âu sẽ duy trì thực hiện các cam kết liên quan đến thỏa thuận với Iran.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố khẳng định quyết định của ông Trump không xác nhận Iran tuân thủ JCPOA sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực thi thỏa thuận trên, song điều này đi ngược lại tinh thần của thỏa thuận. Bộ trên nhấn mạnh dù lập trường của Mỹ có như thế nào, không thể có chuyện áp đặt lại các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Iran.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định "rất đáng lo ngại" khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu ra các nghi vấn vốn được giải quyết khi JCPOA được ký hồi năm 2015. Ông Ryabkov cho biết Nga coi nhiệm vụ chính của nước này giờ đây là ngăn chặn JCPOA đổ vỡ, đồng thời kêu gọi tất cả các bên giữ cam kết đối với thỏa thuận.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini cùng ngày cũng khẳng định Mỹ không thể đơn phương hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran.
Trong khi đó, Saudi Arabia hoan nghênh các chính sách mới của Mỹ đối với Iran, đồng thời nêu rõ việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đã cho phép Tehran phát triển chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa và tăng cường ủng hộ các nhóm phiến quân. Saudi Arabia cho rằng Iran đã lợi dụng các khoản thu tài chính bổ sung nhằm hỗ trợ phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Liban và nhóm phiến quân Houthi ở Yemen.
Cùng ngày, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng hoan nghênh quyết định của ông Trump, đồng thời khẳng định quyết định này sẽ kiềm chế các hành động mà ông cho là gây hấn của Iran.