Phát biểu tại cuộc gặp Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi ở Tokyo hôm 3/12, Thứ trưởng Araqchi nêu rõ Iran đã quyết định giảm các cam kết của mình vì các nước châu Âu đã không thực hiện các cam kết bảo vệ các lợi ích kinh tế của Iran theo thỏa thuận.
Thứ trưởng Araqchi, nhà đàm phán hạt nhân cấp cao của Iran, nhấn mạnh "mục đích của chúng tôi không phải là rời khỏi JCPOA… Trong trường hợp các lệnh trừng phạt (của Mỹ) được dỡ bỏ và Iran được hưởng lợi từ thỏa thuận này, chúng tôi sẽ quay trở lại các cam kết theo JCPOA”.
JCPOA được ký năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức), theo đó Iran hạn chế chương trình hạt nhân đổi lại việc dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt của phương Tây áp đặt với nước này. Thỏa thuận này đang đứng trước nguy cơ sụp đổ sau khi Mỹ hồi tháng 5/2018 đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran. Ba nước châu Âu Anh, Pháp và Đức đã nỗ lực cứu vãn thỏa thuận nhưng các nỗ lực cho tới nay chưa mang lại hiệu quả đáng kể.
Trong 7 tháng qua, Iran tiến hành một loạt bước đi giảm bớt các cam kết trong JCPOA nhằm đáp trả các động thái trên của Mỹ cũng như phản ứng với sự chậm trễ của các quốc gia châu Âu trong việc tạo thuận lợi cho các giao dịch ngân hàng cùng hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran. Gần đây Iran nối lại hoạt động làm giàu urani tại cơ sở Fordow ở miền Nam nước này, đồng thời đã bắt đầu làm giàu urani tại nhà máy Natanz ở miền Trung. Iran khẳng định có thể nhanh chóng hủy bỏ các biện pháp mà nước này thực hiện nếu các bên còn lại trong thỏa thuận tìm ra cách giúp Tehran tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Các đối tác châu Âu mới đây cảnh báo sẽ cân nhắc kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp theo JCPOA nếu nước Iran tiếp tục giảm các cam kết. Giới phân tích nhận định nếu điều này xảy ra sẽ càng làm suy yếu hơn nữa các nỗ lực cứu vãn thỏa thuận.