Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani ngày 12/1 khẳng định Têhêran sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân bất chấp sức ép ngày càng gia tăng từ Mỹ và phương Tây, cũng như các vụ ám sát nhằm vào các nhà khoa học hạt nhân của nước này.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Đại sứ quán Iran ở thủ đô Ancara (Thổ Nhĩ Kỳ) sau các cuộc hội đàm với giới chức lãnh đạo nước chủ nhà, ông Larigiani cho biết mặc dù các thế lực thù địch đã tiến hành mọi biện pháp chống Iran, kể cả các vụ tấn công khủng bố, nhưng sẽ không bao giờ khuất phục được Têhêran, cũng như không thể ngăn cản chương trình hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, Iran sẵn sàng trở lại bàn đàm phán với nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) nhằm "hạ nhiệt" căng thẳng hiện nay.
Theo ông Larigiani, các cuộc đàm phán sẽ mang lại kết quả tích cực nếu các bên thực sự nghiêm túc. Ông đề xuất tiến hành vòng đàm phán tiếp theo tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi diễn ra vòng đàm phán cuối cùng cách đây một năm.
Trong chuyến thăm Têhêran hồi tuần trước, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cũng đã trao cho Iran đề xuất của phương Tây về việc nối lại đàm phán và bày tỏ sẵn sàng làm trung gian cho vòng đàm phán này. Tuy nhiên, hiện chưa biết thời điểm nối lại đàm phán.
Cùng ngày, Đại giáo chủ của Iran Ayatollah Ali Khamenei cáo buộc các cơ quan tình báo của Mỹ và Ixraen đứng sau vụ sát hại nhà khoa học hạt nhân Mostafa Ahmadi Roshan của Iran hôm 11/1.
Cảnh sát xem xét tại địa điểm xảy ra vụ nổ bom này 11/1 làm một nhà khoa học hạt nhân Iran thiệt mạng. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong thư chia buồn đăng trên trang web cá nhân, ông Khamenei cho rằng sát thủ đã nhận được sự hỗ trợ của Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cũng như Cơ quan tình báo Ixraen (Mossad). Ông Khamenei cảnh báo sẽ trừng phạt tất cả những ai đứng sau vụ ám sát này, đồng thời khẳng định Iran sẽ kiên định con đường phát triển hạt nhân vì mục đích hòa bình, vì chương trình hạt nhân của Iran "không phụ thuộc vào bất kỳ cá nhân nào".
Những tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các đồng minh ở châu Á và châu Âu trong việc gia tăng sức ép đối với Iran. Trong động thái mới nhất, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Jun Azumi cho biết Tôkiô sẽ tham gia chiến dịch áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành dầu mỏ của Iran bằng cách giảm lượng dầu nhập khẩu từ Iran.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 12/1, Thủ tướng Ixraen Benjamin Netanyahu và nhà lãnh đạo Mỹ đã bàn về tình hình Iran và những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm buộc Têhêran phải chịu trách nhiệm trước việc vi phạm các nghĩa vụ quốc tế. Hai ông đã bác bỏ cáo buộc của Iran liên quan đến cái chết của nhà khoa học Mostafa và nhất trí tiếp tục giữ liên lạc thường xuyên về tình hình của Iran.
Cũng trong ngày 12/1, Mỹ đã áp đặt trừng phạt đối với Zhuhai Zhenrong Group của Trung Quốc, công ty Kuo Oil của Xinhgapo và công ty FAL Oil của UAE do những công ty này bán các sản phẩm dầu tinh luyện cho Iran. Theo đó, cả ba công ty trên sẽ không được nhận giấy phép xuất khẩu sang Mỹ, hỗ trợ thương mại từ Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Mỹ cũng như các khoản vay trên 10 triệu USD từ các thể chế tài chính của Mỹ. Quyết định này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner có cuộc gặp với giới chức Trung Quốc để yêu cầu tham gia nỗ lực tăng cường sức ép đối với Têhêran nhằm buộc nước này phải từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.
TTXVN/Tin Tức