Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, phát biểu tại Diễn đàn Đối thoại Tehran lần thứ ba, cố vấn Kamal Kharazi nhấn mạnh nhiều vấn đề liên quan đã được tháo gỡ nên Iran sẵn sàng trở lại các cam kết trong JCPOA. Ông cho biết hiện còn duy nhất vấn đề giám sát còn vướng mắc, đồng thời hy vọng vấn đề này sẽ được giải quyết trong chuyến thăm, làm việc tới đây của các chuyên gia thuộc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) tại thủ đô Tehran.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cho rằng Hội nghị hợp tác và đối tác Baghdad lần thứ hai, dự kiến khai mạc ngày 20/12 tại Jordan là cơ hội tốt để tiến hành đàm phán nhằm khôi phục JCPOA. Phát biểu với các phóng viên tại Tehran, ông Amir-Abdollahian coi chuyến thăm tới Jordan là cơ hội tốt để hoàn tất đàm phán. Ông hy vọng sẽ có điều chỉnh trong cách tiếp cận và "phía Mỹ sẽ hành xử thực tế".
Các phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh một phái đoàn chuyên gia kỹ thuật của IAEA tới Iran vào ngày 18/12 nhằm giải quyết bế tắc liên quan vấn đề phát hiện các dấu vết urani tại 3 cơ sở mà Tehran chưa từng công bố.
Vấn đề urani là một trong những yếu tố gây cản trở đối với các cuộc đàm phán lớn hơn liên quan việc nối lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Phía Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của nước này vì mục đích dân sự, không phải để chế tạo vũ khí hạt nhân. Việc khôi phục JCPOA sẽ áp đặt giới hạn làm giàu urani ở mức 3,67% và kho dự trữ ở mức 300 kg đối với chương trình làm giàu urani của Iran.
JCPOA được Iran và các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga) cùng Đức ký kết vào tháng 7/2015, theo đó Tehran hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, năm 2018, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt kinh tế, khiến Iran cũng giảm các cam kết của nước này trong thỏa thuận. Hiện các bên đang nỗ lực đàm phán nhằm khôi phục JCPOA.