Đăng tải trên mạng xã hội Twitter ngày 30/8, Ngoại trưởng Zarif nhấn mạnh "việc tiếp tục là bên tuân thủ thỏa thuận bằng hành động chứ không chỉ bằng lời nói không phải là lựa chọn duy nhất của Iran”. Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Iran không nêu rõ những lựa chọn khác đối với nước này là gì.
Theo thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ký giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015, các lệnh trừng phạt Iran được dỡ bỏ đổi lấy việc Tehran hạn chế chương trình hạt nhân.
Tuy nhiên, ngày 7/8 vừa qua, Mỹ đã áp đặt trở lại một loạt biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Iran, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 5 tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận này, cho đây là "một thỏa thuận phiến diện, không đáp ứng mục đích căn bản ngăn chặn Iran phát triển bom nguyên tử". Ông Trump cũng kêu gọi hướng tới một thỏa thuận toàn diện hơn nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Iran.
Đợt trừng phạt đầu tiên của Mỹ chủ yếu nhằm vào các giao dịch của Iran trong lĩnh vực ô tô, kinh doanh than đá, nhôm và các kim loại quý, cũng như các giao dịch tiền mặt liên quan đến đồng USD. Dự kiến đợt trừng phạt thứ hai sẽ được thực hiện từ tháng 11 tới, nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ vốn là thế mạnh của nền kinh tế Iran.