Phát biểu với đài phát thanh và truyền hình nhà nước Iran sau khi vòng đàm phán thứ 6 nối lại tại Vienna, ông Araghchi nêu rõ: "Cá nhân tôi không nghĩ rằng chúng tôi có thể hoàn tất trong tuần này".
Trong khi đó, theo một tuyên bố đăng trên mạng xã hội Twitter, đại diện của Nga tại cuộc đàm phán cũng có quan điểm tương tự sau vòng đàm phán tại thủ đô của Áo, cho rằng cần thêm vài tuần nữa để hoàn tất văn kiện hiện nay. Một số nhà phân tích cũng nhận định khó có khả năng đạt được bất kỳ thỏa thuận nào trước khi cuộc bầu cử kết thúc.
Vòng đàm phán thứ 6 bắt đầu với cuộc họp của các bên còn lại trong thỏa thuận, bao gồm Iran, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Đức và Liên minh châu Âu (EU) tại tầng hầm của một khách sạn sang trọng. Phái đoàn Mỹ phải tham dự các cuộc đàm phán theo hình thức gián tiếp từ một khách sạn gần đó khi Iran từ chối các cuộc gặp trực tiếp.
Trả lời báo giới, một phát ngôn viên của EU nhận định mặc dù đạt được tiến triển, nhưng các cuộc đàm phán đang diễn ra căng thẳng và giữa các bên vẫn tồn tại một số vấn đề, bao gồm cả cách thực hiện các bước đi. Mục đích của các cuộc đàm phán là tìm cách tiến gần hơn đến thỏa thuận cuối cùng trong những ngày tới.
Cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA vào năm 2018, với lập luận rằng thỏa thuận này đã giảm bớt cho Iran quá nhiều lệnh trừng phạt, trong khi Tehran thực hiện không đầy đủ những cam kết hạn chế về hạt nhân. Kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden lại muốn khôi phục những giới hạn hạt nhân trong thỏa thuận với Iran và nếu có thể thì mở rộng hơn.