Phát biểu tại lễ khởi công dự án, Tổng thống Rouhani cho biết: "Nhiều nước trong khu vực đã tìm một con đường thứ hai để xuất khẩu dầu khi Eo biển Hormuz đối mặt nguy hiểm. Đây là chiến lược của dự án này".
Đường ống nói trên dài 1.000 km, sẽ đưa dầu từ Goreh tại thành phố cảng Bushehr ở vùng Vịnh, đến một thành phố cảng khác là Jask trên biển Oman. Hiện nay, đảo Kharg tại vùng Vịnh là điểm đến chính của dầu Iran, chiếm khoảng 90% lượng dầu xuất khẩu. Để đến Kharg, các tàu chở dầu của Iran phải đi qua Eo biển Hormuz. Với việc khởi động một đường ống dẫn dầu từ Goreh tới Jask, xuất khẩu dầu của Iran sẽ không liên quan đến Eo biển Hormuz nữa. Với đường ống này, Jask sẽ là điểm đến xuất khẩu dầu lớn thứ hai của Iran, khiến thành phố này có tầm quan trọng chiến lược.
Thời gian qua, Mỹ và Iran đổ lỗi cho nhau về cách hành động ở ngoài khơi vùng Vịnh. Hải quân Iran cáo buộc Hải quân Mỹ tái diễn cách hành xử "không chuyên nghiệp" , đe dọa đến hòa bình khu vực và làm gia tăng các mối nguy hiểm mới, trong khi đó Hải quân Mỹ cho rằng 11 tàu của Hải quân Iran đã "lặp lại các hành động nguy hiểm và quấy rối khi tiếp cận tàu chiến Mỹ trong vùng biển quốc tế tại phía Bắc Vịnh Arab".
Quan hệ giữa Washington và Tehran xấu đi nghiêm trọng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 5/2018 tuyên bố đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp, Mỹ và Đức) đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt quốc gia Trung Đông này. Từ đó, Mỹ từng bước tái áp đặt và gia tăng các biện pháp trừng phạt, đặc biệt nhằm vào mạng lưới tài chính và ngành kinh tế chủ lực của Iran là xuất khẩu dầu mỏ, nhằm gây áp lực buộc Tehran quay trở lại bàn đàm phán. Đáp lại, Iran đã tuyên bố giảm một số cam kết trong thỏa thuận, đồng thời tăng giới hạn làm giàu urani vượt mức 3,67% và lượng urani làm giàu thấp vượt ngưỡng 300 kg.