Theo Mohammad Baqer Qalibaf, thỏa thuận đã hết hiệu lực nên mọi thông tin được lưu trữ sẽ không được gửi cho IAEA và mọi dữ liệu, hình ảnh sẽ đều thuộc sở hữu riêng của Iran. Tuyên bố trên được cho là có thể làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 vốn chỉ vừa mới được nối lại hồi tháng 4 vừa qua tại Vienna, Áo.
Thỏa thuận hạt nhân Iran nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran, đổi lại các nước dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt với quốc gia Hồi giáo. Tuy nhiên, thỏa thuận này đối mặt với nguy cơ sụp đổ ngày càng lớn sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận năm 2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran trong khi Tehran cũng từng bước thu hẹp các điều khoản tuân thủ, trong đó có nội dung liên quan hoạt động giám sát của IAEA.
Tháng 2 vừa qua, IAEA và Tehran đã đạt được thỏa thuận giám sát kéo dài 3 tháng nhằm duy trì một số hoạt động giám sát sau khi Iran tuyên bố giảm mức độ hợp tác với cơ quan này. Theo thỏa thuận, các dữ liệu và hình ảnh ở một số cơ sở hạt nhân Iran sẽ được lưu giữ và gửi cho IAEA vào một thời điểm sau đó. Thỏa thuận này đáng lẽ đã hết hạn vào ngày 24/5 vừa qua nhưng sau đó được gia hạn 1 tháng.
Ngày 25/6, IAEA đã yêu cầu Iran lập tức phản hồi về việc có tiếp tục gia hạn thỏa thuận này hay không. Một đặc phái viên Iran sau đó khẳng định Tehran không có nghĩa vụ phải đưa ra câu trả lời dù 2 ngày trước đó, Iran thông báo Hội đồng An ninh tối cao quốc gia này sẽ quyết định về vấn đề trên. Cũng trong ngày 25/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo nếu Iran không gia hạn thỏa thuận với IAEA thì đó sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng với các cuộc đàm phán mở rộng.