Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Amirabdollahian nhấn mạnh: "Nếu ông Biden có ý định dỡ bỏ trừng phạt và quay trở lại thỏa thuận hạt nhân, ông cần ban hành một sắc lệnh hành pháp nhằm thể hiện thiện chí thay vì áp đặt các biện pháp trừng phạt". Theo ông Amirabdollahian, phía Iran đã từng nêu rõ với giới chức Mỹ rằng Washington cần đưa ra một hoặc 2 điểm thiết thực trước khi có thể đạt được bất kỳ thỏa thuận nào, ví dụ như dỡ bỏ phong tỏa các tài sản của Iran tại các ngân hàng nước ngoài.
Trong một phát biểu khác với hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA, Ngoại trưởng Amirabdollahian cho rằng phía Mỹ quan tâm đến việc đưa ra và áp đặt các điều kiện mới ngoài khuôn khổ đàm phán hạt nhân. Theo ông Amirabdollahian, trong 2 hoặc 3 tuần gần đây, Washingon đã đưa ra những yêu cầu đi ngược lại nội dung của thỏa thuận hạt nhân. Ngoại trưởng Iran nhấn mạnh phía Tehran "đang thúc đẩy dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, song với lòng tự trọng và một thỏa thuận lâu dài". Ông khẳng định "Iran đã và sẽ giữ vững những lằn ranh đỏ".
Cùng ngày, hãng thông tấn Tasnim của Iran đưa tin các nhà lập pháp Iran đã đặt ra một số điều kiện để khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 - tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) - trong đó có những đảm bảo pháp lý được Quốc hội Mỹ thông qua nhằm đảm bảo Washington sẽ không từ bỏ thỏa thuận. Trong một lá thư gửi tới Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, các nhà lập pháp nhấn mạnh rằng một thỏa thuận hạt nhân được khôi phục cần đảm bảo rằng Mỹ sẽ không tái áp đặt các biện pháp trừng phạt.
Năm 2015, Iran đã ký JCPOA với nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng với Đức). Tuy nhiên, tháng 5/2018, dưới thời Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump, Washington đã rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Tehran, khiến phía Iran cũng từ bỏ một số cam kết trong thỏa thuận.
Kể từ tháng 4 năm ngoái, Iran và các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân đã tiến hành 8 vòng đàm phán tại Vienna để khôi phục thỏa thuận. Mỹ tham gia gián tiếp thông qua trung gian là Liên minh châu Âu (EU). Sau gần 1 năm đàm phán đã đưa các bên tiến gần hơn tới một thỏa thuận khôi phục thỏa thuận hạt nhân.