Sau 16 tháng Mỹ và Iran tiến hành đàm phán gián tiếp thông qua các quan chức thuộc Liên minh châu Âu (EU), hôm 8/8, EU đã đưa ra dự thảo văn bản cuối cùng và đang chờ quyết định của các bên tham gia. Ngày 16/8 vừa qua, Iran thông báo đã gửi băn bản phản hồi dự thảo cuối cùng của EU về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), trong đó nhấn mạnh nếu Mỹ thể hiện sự linh hoạt và thực tế thì thỏa thuận có thể được ký kết. Mỹ cho biết đang nghiên cứu phản hồi của Iran đối với dự thảo của EU.
Trong cuộc họp báo ngày 22/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani cáo buộc Mỹ đang trì hoãn nỗ lực khôi phục JCPOA trong khi "phía châu Âu không có hành động nào". Ông nhấn mạnh: "Mỹ và châu Âu cần một thỏa thuận hơn Iran".
Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã bác bỏ cáo buộc của Iran, đồng thời cho biết Washington đang làm việc nhanh nhất có thể để đưa ra phản ứng thích hợp đối với phản hồi của Tehran về bản dự thảo do EU đề xuất. Ông Price cũng đánh giá việc Iran dường như lược bớt một số yêu cầu như Washington không liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào "danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài" là điều tích cực. Ông cho biết: "Đó là một phần lý do tại sao một thỏa thuận đang dần khả thi hơn so với 2 tuần trước. Tuy nhiên, kết quả của những cuộc đàm phán đang diễn ra này vẫn chưa chắc chắn vì vẫn tồn tại những khác biệt".
Trong khi đó, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell ngày 22/8 đã bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ đưa ra phản ứng tích cực sớm nhất là trong tuần này đối với đề xuất của khối, đồng thời nói thêm rằng Iran đã đưa ra phản hồi "hợp lý". Quan chức này cũng để ngỏ khả năng một cuộc họp về việc khôi phục JCPOA có thể được tổ chức "trong tuần này" sau khi Tehran đệ trình văn bản phản hồi.
JCPOA được ký giữa Iran và các nước Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Đức vào tháng 7/2015. Theo JCPOA, Tehran hạn chế hoạt động hạt nhân của nước này để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận năm 2018 và tái áp đặt trừng phạt kinh tế, khiến Iran cũng giảm các cam kết của nước này trong thỏa thuận. Hiện các bên đang tìm cách khôi phục thỏa thuận.