Ngân hàng Trung ương Iran sẽ nhận lại 28 tỷ USD. |
Ngày 19/1, Thống đốc Ngân hàng trung ương Iran Valiollah Seif thông báo nước này sẽ nhận được 32 tỷ USD tài sản bị đóng băng sau khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ như một phần của thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức).
Truyền hình quốc gia Iran dẫn lời ông Seif cho biết 28 tỷ USD sẽ được chuyển cho ngân hàng trung ương nước này, và 4 tỷ USD còn lại “sẽ được chuyển vào kho bạc nhà nước”. Theo ông Seif, khoản tiền trên sẽ được dùng vào việc “mua và nhập khẩu hàng hóa”, và Ngân hàng trung ương Iran dự định để khoản tiền này tại các tài khoản ở nước ngoài.
Trước đó, ngày 17/1, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng thông báo Washington sẽ trả lại cho Iran 400 triệu USD bị phong tỏa từ năm 1981, cộng với 1,3 tỷ USD tiền lãi để giải quyết vụ kiện từ năm 1981 tại Tòa án quốc tế ở La Hay (Hà Lan).
Số tiền 400 triệu USD nói trên là từ một quỹ tín thác từng được Iran sử dụng để mua trang thiết bị quân sự của Mỹ trước khi quan hệ ngoại giao song phương đổ vỡ vào năm 1979. Năm 1981, một tòa trọng tài quốc tế được thành lập tại La Hay để giải quyết các khoản nợ còn tồn đọng giữa hai nước và Iran đã đòi Mỹ hoàn lại số tiền mua vũ khí.
Số tiền mà Mỹ hoàn lại cho Iran kể trên không nằm trong số hàng chục tỷ USD trong các tài khoản ở nước ngoài bị phong tỏa mà Iran hiện sắp nhận lại sau khi các biện pháp trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân được dỡ bỏ.