Trao đổi với hãng thông tấn Tasnim, ông Ashena nêu rõ: “Thứ nhất, chúng tôi không cho phép một cuộc chiến tranh xảy ra trong khu vực, và thứ hai, chúng tôi sẽ không chấp nhận bị đè nén dưới các lệnh trừng phạt…. Phản ứng của chúng tôi đối với Mỹ là nói không với chiến tranh và nói không với trừng phạt”.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Rouhani đã bác bỏ khả năng diễn ra các cuộc đàm phán với Mỹ trong tình hình hiện tại. Nhà lãnh đạo Iran khẳng định dù ủng hộ biện pháp ngoại giao nhằm giải quyết các vấn đề gây tranh cãi, song ông phản đối bất kỳ cuộc đàm phán nào với Mỹ lúc này. Theo ông Rouhani, tình hình hiện nay "hoàn toàn không phù hợp để tiến hành đàm phán" và người dân Iran cần đoàn kết, kiên định để vượt qua những trừng phạt kinh tế mà Mỹ áp đặt.
Giữa lúc xuất hiện nhiều mối quan ngại về một cuộc đối đầu giữa Mỹ với Iran tại khu vực Trung Đông, ngày 21/5, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi cho biết nước này đã cử các phái đoàn tới Washington và Tehran nhằm hỗ trợ “hạ nhiệt căng thẳng”. Thủ tướng Mahdi khẳng định không có phe nhóm nào ở Iraq muốn đẩy khu vực tới một cuộc chiến tranh.
Căng thẳng đã leo thang trong những ngày gần đây với quan ngại gia tăng về một cuộc xung đột tiềm tàng giữa Mỹ và Iran. Ngày 20/5, Tehran thông báo tăng gấp 4 lần sản lượng uranium làm giàu ở cấp độ thấp, một tuần sau khi Iran chính thức tuyên bố ngừng thực hiện một số cam kết trong thỏa thuận Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCOPA) ký năm 2015 với các cường quốc. Động thái này của Iran được xem là nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Tehran sau khi Washington rút khỏi JCPOA hồi năm ngoái. Tehran cũng yêu cầu các nước tham gia ký kết khác hỗ trợ bảo vệ nền kinh tế của nước này trước các lệnh trừng phạt của Washington.
Trong diễn biến liên quan, cũng trong ngày 21/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Agnes von der Muhll đã nhắc lại cam kết đối với JCPOA, song khẳng định Paris sẽ không chấp nhận bất cứ tối hậu thư nào sau khi Iran tuyên bố sẽ nối lại hoạt động làm giàu uranium ở cấp độ thấp. Pháp yêu cầu Iran tiếp tục mọi nghĩa vụ trong khuôn khổ JCPOA như đã thực hiện tới nay và "kiềm chế mọi hành động có thể vi phạm những cam kết". Người phát ngôn này cũng khẳng định Pháp và các đối tác châu Âu tiếp tục cam kết bảo vệ và triển khai toàn diện JCPOA.
Theo thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký năm 2015, Iran chỉ được phép làm giàu urani ở tỷ lệ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân và cũng thấp hơn mức 20% mà Iran đã thực hiện trước khi thỏa thuận được ký kết. Bên cạnh đó, Tehran được phép sản xuất uranium có tỷ lệ làm giàu thấp với khối lượng tối đa 300 kg và lượng urani dư thừa có thể được xuất khẩu. Tuy nhiên, mức giới hạn này sẽ không còn được Tehran áp dụng sau khi Iran tuyên bố ngừng thực hiện một số cam kết tự nguyện trong thỏa thuận hạt nhân.