Trong một tuyên bố ngày 10/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Ghasemi khẳng định lập trường của Tehran ủng hộ "sự toàn vẹn lãnh thổ của Iraq". Ông nhấn mạnh "khu vực người Kurd là một phần của nước Cộng hòa Iraq, và các quyết định đơn phương vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật và quốc gia, đặc biệt là hiến pháp Iraq, chỉ có thể dẫn đến nhiều vấn đề mới". Ông Ghasemi cho rằng một đất nước Iraq dân chủ, ổn định và thống nhất đảm bảo lợi ích của toàn thể người dân không phân biệt tín ngưỡng và tôn giáo.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Ghasemi tại cuộc họp báo ở Tehran ngày 22/8/2016. AFP/TTXVN |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran cũng nêu rõ Iraq vào thời điểm này cần hơn bao giờ hết đoàn kết dân tộc và hòa bình, theo đó mọi mâu thuẫn giữa chính quyền Baghdad và chính quyền người Kurd ở Arbil phải được giải quyết thông qua đối thoại, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp Iraq.
Iran lâu nay quan ngại về các hoạt động ly khai của cộng đồng người Kurd ở Iran, hiện sống tập trung chủ yếu tại khu vực dọc biên giới với Iraq. Chính quyền Tehran cáo buộc Lực lượng đảng Dân chủ người Kurd Iran (KDPI) và đảng Cuộc sống Tự do người Kurd (PJKK) thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công vào sâu lãnh thổ Iran từ các căn cứ ở Iraq. Sau các vụ tấn công bùng phát năm 2011, quân đội Iran đã tiến hành các cuộc đột kích qua biên giới, buộc lực lượng lùi sâu vào lãnh thổ Iraq.
Ngày 7/6 vừa qua, chính quyền khu tự trị người Kurd ở Iraq thông báo ngày 25/9 tới tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về việc thiết lập vùng lãnh thổ độc lập.
Chính phủ Iraq đã lên tiếng chỉ trích động thái trên, nêu rõ sự lãnh đạo ở Iraq được thực hiện theo hiến pháp, lấy hiến pháp làm cơ sở để xác định quan hệ giữa chính phủ liên bang và khu vực người Kurd. Vì vậy, bất cứ quyết định nào liên quan đến tương lai của Iraq phải tính đến các điều khoản hiến pháp.
Thổ Nhĩ Kỳ ngày 9/6 cũng lên tiếng phản đối động thái trên của chính quyền khu tự trị người Kurd ở Iraq, cho đây là "một sai lầm nghiêm trọng" gây bất lợi cho Iraq và kéo theo các bất ổn trong khu vực.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, cộng đồng thiểu số người Kurd, trong đó có đảng Công nhân người Kurd (PKK) tại khu vực Đông Nam, luôn có xung đột vũ trang với chính quyền trong nhiều thập kỷ. Ước tính, cuộc xung đột kéo dài hơn 30 năm đã khiến hơn 40.000 người thiệt mạng.
Mỹ cũng đã bày tỏ quan ngại việc người Kurd ở Iraq tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về độc lập có thể làm sao lãng cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng khi làm gia tăng căng thẳng giữa các cộng đồng sắc tộc.