Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trước đó, trong phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, ông Tillerson cáo buộc Iran đang tìm cách trở thành "bá chủ" khu vực Trung Đông, gây ảnh hưởng đến các đồng minh của Mỹ như Saudi Arabia, đồng thời cho biết "chính sách của Mỹ đối với Iran là đẩy lùi ý định bá chủ này và ủng hộ một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình ở Iran".
Chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump đã thể hiện quan điểm ngày càng cứng rắn với Iran kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1 vừa qua. Tuy nhiên, phát biểu trên của Ngoại trưởng Tillerson dường như là biểu hiện đầu tiên ủng hộ sự thay đổi chính quyền ở Iran. Ông Tillerson thậm chí còn nêu khả năng áp đặt trừng phạt đối với toàn bộ Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC, quân đội chính quy của Iran).
Phản ứng trước các nhận định trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Ghassemi cho biết bộ trên đã triệu đại biện lâm thời Thụy Sĩ tại Iran để bày tỏ "sự phản đối mạnh mẽ ", đồng thời nhấn mạnh rằng "các bình luận của Ngoại trưởng Mỹ đi ngược lại luật pháp quốc tế và hiến chương Liên hợp quốc" (LHQ). Cùng ngày, Iran cũng gửi một bức thư phản đối việc này lên Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres.
Mỹ đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran kể từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979. Hiện phái bộ Thụy Sĩ tại Tehran đại diện cho các lợi ích của Mỹ ở Iran.