Kênh CNBC (Mỹ) cho biết Saudi Arabia luôn là nhân tố chủ chốt trong kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump để “cách ly” Iran. Nhà Trắng cần Riyadh để ổn định thị trường năng lượng khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên sản phẩm dầu mỏ Iran vào tháng 11.
Tuy nhiên, nếu cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ rằng Riyadh sát hại nhà báo Khashoggi được chứng minh là sự thật thì kế hoạch của Tổng thống Trump có thể đổ vỡ dẫn đến lợi thế chính trị và kinh tế cho Iran.
Nhà nghiên cứu Sanam Vakil tại viện nghiên cứu Chatham House ở (Anh) cho rằng: “Vụ việc của nhà báo Jamal Khashoggi là bước đi chính trị lệch lạc của Saudi Arabia, dự kiến đem lại lợi ích địa chính trị cho Iran. Saudi Arabia đã cảnh báo đáp trả nếu Mỹ áp lệnh trừng phạt và giá dầu có thể tăng cao. Điều này tạo lợi thế cho Iran để bán dầu trong những tuần cuối trước khi các lệnh trừng phạt có hiệu lực”.
Đầu năm 2018, Saudi Arabia cam kết với Tổng thống Trump rằng sẽ tăng khai thác dầu mỏ để đền bù cho lượng cung thiếu hụt từ Iran và cân bằng mức giá. Nhưng trong trường hợp Mỹ trừng phạt Saudi Arabia, Riyadh có thể cầm chừng lượng cung dầu và khiến giá dầu tăng mạnh.
Trong tuần này, Phó Tổng thống Iran Eshaq Jahagiri chia sẻ với truyền thông rằng giá dầu thô Iran đã được bán với mức hơn 80 USD/thùng, đồng nghĩa với việc ngay cả khi xuất khẩu dầu mỏ của Tehran giảm một nửa thì quốc gia này vẫn thu được số tiền tương tự trước đây.
Ngày 14/10, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cảnh báo rằng nền kinh tế của quốc gia này có ảnh hưởng và vai trò chiến lược trong kinh tế toàn cầu. Ông Mohammed Ayoob tại Đại học Michigan (Mỹ) nhận định tuyên bố của Bộ Ngoại giao Saudi Arabia không đề cập thẳng đến sử dụng dầu mỏ làm “vũ khí” nhưng rõ ràng có ẩn ý nhắc tới mặt hàng chiến lược này.
Ngoài dầu mỏ, Iran còn giành được lợi thế chính trị khi quan hệ Mỹ-Saudi Arabia xấu đi. Nhà nghiên cứu Sanam Vakil nhận định rằng Tổng thống Iran Hassan Rouhani có thể lợi dụng bất đồng ngoại giao hiện tại giữa Mỹ và Saudi Arabia để kéo sự chú ý khỏi tranh cãi liên quan tới thỏa thuận hạt nhân. Ngoài ra, rạn nứt trong quan hệ Mỹ-Saudi Arabia có thể gây tổn thất tới nỗ lực đối trọng với Iran của hai quốc gia này.
Nhà báo Jamal Khashoggi đã tới Lãnh sự quán Saudi Arabia tại thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) từ ngày 2/10 để lấy giấy tờ cho thủ tục kết hôn. Tuy nhiên, từ đó đến nay ông này chưa bước chân ra khỏi Lãnh sự quán.
Tờ Washington Post (Mỹ) dẫn nguồn tin trong chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã nắm trong tay bản ghi âm cho thấy "một nhóm 15 người Saudi Arabia được cử tới Istanbul vào ngày 2/10 đã sát hại nhà báo Khashoggi". Nhóm 15 công dân Saudi Arabia này đã đến và rời Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 2/10 – thời điểm nhà báo Khashoggi mất tích.
Ngày 16/10, truyền thông Saudi Arabia dẫn tuyên bố của chính quyền nước này thừa nhận ông Khashoggi đã thiệt mạng bên trong Lãnh sự quán Saudi Arabia ở thành phố Istanbul.